Đề án
Phụ nữ Việt Nam tích cực nâng cao phẩm chất đạo đức: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ mới. Ảnh: Bảo Lâm |
Dù có nhiều cố gắng, song hoạt động vẫn chưa nổi bật; công tác tham mưu của cơ quan thường trực một số tiểu đề án chưa đồng đều; kinh phí phân bổ cho địa phương thấp... Đây là những hạn chế được các bộ, ngành, địa phương nêu ra khi đánh giá kết quả đề án.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng ban Điều hành Đề án 343 cho biết, đề án có 4 tiểu đề án nhánh giao cho 6 sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đảm nhận, triển khai theo ngành dọc từ trung ương đến các địa phương. Hội LHPN Việt Nam chủ trì phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trung ương Đoàn thực hiện tuyên truyền trong cán bộ, hội viên, phụ nữ; Bộ GD-ĐT chủ trì tuyên truyền trong hệ thống trường học; Bộ TT-TT tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng; Bộ VH-TT&DL tuyên truyền thông qua hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Thực tiễn trong 5 năm qua cho thấy nhận thức của các cấp lãnh đạo ở một số địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đề án, cho rằng đây chủ yếu là nhiệm vụ của Hội LHPN các cấp, dẫn đến chưa coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của đề án.
Đặc biệt, một số tỉnh chậm trễ trong việc thành lập Ban Chỉ đạo đề án (năm 2012 mới thành lập) hoặc thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả. Theo thống kê, có 62/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo, nhưng chỉ có 22 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện. Thêm nữa, một số đơn vị thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo nên ảnh hưởng đến quá trình theo dõi, tham mưu, đánh giá hoạt động của đề án. Đánh giá kết quả hoạt động 5 năm qua, Ban Chỉ đạo Đề án 343 các tỉnh, thành phố đều cho rằng, kinh phí trung ương phân bổ thấp; các tiểu đề án chưa hiểu rõ cơ chế tài chính, không chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động..., dẫn đến một số tiểu đề án không hoàn thành hoặc không bảo đảm tiến độ kế hoạch. Đã vậy, một số tỉnh, thành phố không bố trí kinh phí cho hoạt động thực hiện đề án, nên việc triển khai thực hiện rất khó khăn, chủ yếu là hoạt động lồng ghép của các cấp Hội LHPN và các ngành chức năng khác.
Vì vậy, sau 5 năm triển khai, kết quả nổi bật mới chỉ ở góc độ tổ chức chỉ đạo điểm. Đó là Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN của 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Sóc Trăng, Đắk Lắk tổ chức triển khai hoạt động chỉ đạo điểm truyền thông cộng đồng về 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" tại 6 xã, phường địa bàn đặc thù có đông nữ công nhân lao động, nữ tiểu thương, nữ thanh niên, nữ dân tộc thiểu số. Bộ GD-ĐT xây dựng 6 mô hình điểm tại khối đại học đại diện ở các vùng, miền. Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức triển khai chỉ đạo điểm mô hình truyền thông phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam tại 3 tỉnh, thành phố. Trung ương Đoàn chỉ đạo điểm tại Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng...
Ngay tại Hà Nội, công tác phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện Đề án 343 cũng chưa đồng đều, chủ yếu ở tại các cấp hội phụ nữ. Trong 4 tiểu đề án giao cho Hội LHPN thành phố, Sở GD-ĐT, Sở TT&TT, Sở VH-TT&DL, thì chỉ có tiểu đề án 1 do Hội LHPN thành phố chủ trì được triển khai gắn với các phong trào công tác hội. Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Trần Thị Phương Hoa, đội ngũ báo cáo viên chuyên nghiệp còn thiếu, tài liệu tuyên truyền chưa phong phú, sự quan tâm của các ngành về vấn đề này chưa thường xuyên, triệt để.
Để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang", Ban Chỉ đạo Đề án 343 các tỉnh, thành phố thống nhất cần tăng cường biên soạn, in ấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Ngoài quan tâm bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý, các tiểu đề án cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, đối tượng, hoạt động ưu tiên, đặc thù và là thế mạnh của ngành mình để chỉ đạo triển khai hoạt động sâu, rộng tới các đối tượng. Đây cũng là yêu cầu cần thiết, đòi hỏi sự huy động, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề án đề ra.
Mục tiêu Đề án 343: Trên 70% phụ nữ và trên 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, nữ công chức, nữ viên chức, nữ công nhân được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; trên 95% cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, phóng viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên của các ngành được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.