(HNM) - Xã hội hóa chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (MTQGNS&VSMTNT) để mọi người dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn là mục tiêu quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Việt Nam.
Đó cũng là nội dung chính được thảo luận tại hội nghị triển khai chương trình MTQGNS&VSMTNT giai đoạn 2011-2015 do Bộ NN&PTNT tổ chức, với sự tham gia của trên 30 tổ chức quốc tế, đại diện 63 tỉnh thành trong cả nước diễn ra ngày 25-2 tại Hà Nội.
Người dân nông thôn luôn mong mỏi được dùng nước sạch. |
Số hộ dân được sử dụng nước sạch tăng
Từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia NS&VSMTNT với mục tiêu đến năm 2020 tất cả người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, môi trường nông thôn được cải thiện. Tính đến nay, chương trình đã hoàn thành giai đoạn 2 (2006-2010) với những kết quả đáng mừng. Theo Bộ NN&PTNT, kết thúc năm 2010, có hơn 52,1 triệu người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng gần 13,3 triệu người so năm 2005. Trong đó, tỷ lệ được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 62% lên 83%, trung bình tăng 4,2%/năm. Đối với 7 vùng kinh tế, sinh thái của cả nước, vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 89%, cao hơn trung bình cả nước 6%. Đáng lưu ý là giữa các tỉnh có sự chênh lệch cao, có 10/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cao từ 82% đến 93% như, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh...; nhưng vẫn còn 20/63 địa phương đạt tỷ lệ trung bình; 13/63 địa phương có tỷ lệ dưới 75%.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, thực hiện chương trình giai đoạn 2, đến nay, có khoảng 32.155 trường học phổ thông, nhà trẻ, mẫu giáo; 7.976 trạm y tế xã có nước sạch và công trình vệ sinh; số công trình nước sạch và nhà vệ sinh tại chợ nông thôn là 1.537 công trình. Ngoài ra, cả nước cũng đã có hơn 11,5 triệu hộ nông thôn có nhà vệ sinh, nâng tỷ lệ số hộ có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn lên 60%. Tuy nhiên, kết quả vẫn thấp 10% so với mục tiêu đề ra.
Đối với Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Nộn, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Hà Nội cho biết, năm qua, TP đã hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng để Trung tâm NS&VSMTNT xử lý độc tố asen cho 300 bể lọc nước giếng khoan ở 3 huyện. Đến nay, TP Hà Nội đã có 82% số dân ngoại thành được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 32% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế. Số hộ có công trình nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn là 72% và 37% số xã có tổ chức thu gom, xử lý rác thải; 60% tổng số hộ chăn nuôi bảo đảm vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải. Đây vẫn là con số khiêm tốn đối với Thủ đô đòi hỏi thời gian tới các cấp các ngành của TP cần phải đẩy mạnh hơn nữa chương trình mục tiêu quốc gia này.
Coi cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là chỉ tiêu KT-XH
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, có được kết quả trên là do chương trình đã được sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ, đặc biệt là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ dân sử dụng vốn vay để xây dựng các công trình nước sinh hoạt và nhà vệ sinh cho hộ gia đình chiếm tỷ lệ gần 43% so với tổng huy động vốn của chương trình. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới cho rằng, các tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển nông thôn. Trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục ủng hộ chương trình này của Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà, người dân cần nâng cao ý thức giữ vệ sinh chung trong cộng đồng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học yêu cầu, các tỉnh phải xác định việc cấp NS&VSMTNT là một chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đồng thời, công tác quản lý, vận hành công trình sau đầu tư được quan tâm hơn và có cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững. Một số mô hình và cơ chế quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung và vệ sinh công cộng cần xây dựng phù hợp với thực tế để có hiệu quả...
Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, việc triển khai các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn thiếu và chậm đưa ra các mô hình công nghệ cấp nước quy mô hộ gia đình, mô hình nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn phù hợp với địa bàn vùng sâu, vùng nghèo. Đại diện tổ chức Unicef cho rằng, qua 2 giai đoạn thực hiện chương trình nông thôn Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, tại các khu vực vùng cao, miền núi, cuộc sống sinh hoạt của người dân vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Một số chỉ tiêu của giai đoạn 2011-2015 - 95% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 60% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày; - 75% số gia đình ở nông thôn có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 65% số hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó 30% chuồng trại được xử lý bằng hầm bi-ô-ga. - 60% số xã được thu gom rác thải sinh hoạt; giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải sinh hoạt và các làng nghề. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.