(HNM) - Để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý đất đai, nhiều huyện, thị xã của Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho hộ gia đình, cá nhân trong năm 2013 theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại trong việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai, và cả việc người dân không muốn làm "sổ đỏ"... nên nhiệm vụ này không dễ cán đích.
Theo kế hoạch năm 2012, UBND huyện Phú Xuyên đã giao các xã, thị trấn chỉ tiêu cấp 27.000 giấy CNQSDĐ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân. Đến thời điểm này, toàn huyện mới cấp đạt 19% so với chỉ tiêu kế hoạch. Có tháng, huyện chỉ cấp được 11 giấy, tháng cao nhất được 200 giấy. Các xã như: Tri Thủy, Nam Triều, Đại Xuyên, Hồng Thái, Hoàng Long, Vân Từ, Phúc Tiến, Quang Lãng, Châu Can, Phú Yên, Sơn Hà, Phượng Dực... có tháng không cấp được giấy CNQSDĐ nào. Ông Nguyễn Cơ Thạch, Phó Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Phú Xuyên cho biết, tiến độ cấp giấy không bị vướng bởi cơ chế, chính sách, thủ tục. Phú Xuyên tiến độ chậm do vướng mắc liên quan đến đất tranh chấp, chia tách, thừa kế, biến động đất đai... chính quyền cơ sở phải rà soát lại nguồn gốc hồ sơ. Theo ông Thạch, chỉ một hộ có thắc mắc liên quan đến thửa đất làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ là hồ sơ cấp "sổ đỏ" cho hộ gia đình, cá nhân phải gác lại. Lực lượng cán bộ địa chính mỗi xã, thị trấn chỉ có từ một đến hai người, phương tiện và cách thức làm việc chưa đáp ứng yêu cầu của công việc phức tạp này.
Hiện, việc cấp giấy CNQSDĐ ở nhiều huyện, thị xã như: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Từ Liêm, Hoài Đức, Ba Vì... cũng gặp những vướng mắc tương tự, khó có thể hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao. Ông Nguyễn Văn Đảm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy hết sức khó khăn do cán bộ cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu được quyền lợi của việc cấp giấy. Trong khi đó, một bộ phận người dân cho rằng đất đai của ông cha để lại, nay làm "sổ đỏ", diện tích ngoài hạn mức phải đóng tiền nên ngại làm thủ tục để được cấp giấy. Chỉ những người cần giấy CNQSDĐ để giao dịch chuyển nhượng, thế chấp vay vốn ngân hàng mới cần làm "sổ đỏ".
Ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Thống kê đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội) cho biết, chỉ tiêu UBND TP Hà Nội giao cho các quận, huyện, thị xã trong năm 2012 phải cấp 191.835 giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tính đến thời điểm này, các huyện mới cấp được gần 95.000 giấy đạt gần 50% chỉ tiêu kế hoạch năm. Nhiều huyện xin điều chỉnh, giảm chỉ tiêu do tiến độ cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, rất chậm. Có ý kiến cho rằng đến hết năm 2013, nhiều địa phương của Hà Nội không thể hoàn thành mục tiêu cấp giấy CNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân do những bất cập phát sinh trong quá trình xét cấp các loại giấy. Chỉ tính riêng đất chưa đủ điều kiện cấp giấy thuộc các quận, huyện, thị xã lên tới 112.000 trường hợp. Trong khi đó, công tác rà soát, thống kê số lượng hồ sơ kê khai cấp giấy không nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Có nơi còn chưa xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận cho phường, xã, thị trấn theo năm, cũng như chưa tổng hợp các trường hợp vướng mắc báo cáo Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND TP để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền.
Về việc một số địa phương xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch cấp giấy CNQSDĐ UBND TP giao năm 2012, ông Lê Thanh Nam cho biết, UBND TP Hà Nội không chấp nhận đề xuất xin điều chỉnh của các huyện. Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung cao cho việc giải quyết các hồ sơ xin cấp "sổ đỏ" đã đủ điều kiện. Các chủ sử dụng đất phải có trách nhiệm kê khai để được cấp giấy theo quy định. Riêng các trường hợp có vướng mắc về nguồn gốc sử dụng đất, cơ quan chức năng phải kiểm tra, xác minh, kết luận làm căn cứ xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.