Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm kỳ của đổi mới, sáng tạo

Linh Chi| 23/04/2018 06:47

(HNM) - Hôm nay, Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2018-2023 bước vào ngày làm việc đầu tiên. Nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung hướng về cơ sở, có nhiều đổi mới, sáng tạo...


Đổi mới, vì quyền lợi của đoàn viên

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, nhiệm kỳ qua, Công đoàn Thủ đô đã bám sát các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quyết liệt thực hiện 10 chỉ tiêu, 8 nhiệm vụ và giải pháp. Phương thức hoạt động luôn được đổi mới, đa dạng, phù hợp thực tiễn, hướng về cơ sở, xác định chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ luôn sâu sát, dứt điểm; những yếu kém, tồn tại được kịp thời chỉ rõ để rút kinh nghiệm, khắc phục.

Tiêu biểu là các cấp Công đoàn thành phố đã đẩy mạnh tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tại 870 doanh nghiệp, cơ quan; tích cực phối hợp bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Bình quân hằng năm đã có 60,44% doanh nghiệp ký kết được thỏa ước lao động tập thể với nội dung ngày càng có lợi hơn cho người lao động...

Niềm vui của người lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long khi được nhận quà trong chương trình “Tết sum vầy” 2018.Ảnh: Nhật Nam


Hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp với UBND thành phố tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với công nhân, lao động, cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Trong 5 năm (2013-2018) đã có 194 kiến nghị được xem xét, giải quyết hiệu quả, được cán bộ công đoàn, người lao động đồng tình, ủng hộ.

Đồng thời, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại, giải quyết nhanh những kiến nghị, vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên, người lao động.

Chăm lo đời sống người lao động, Công đoàn các cấp đã phối hợp thẩm định cho hơn 4.000 lượt hộ gia đình đoàn viên vay hơn 96 tỷ đồng, phát triển kinh tế, tăng thu nhập 1-1,5 triệu đồng/tháng/lao động. Bên cạnh việc phối hợp giới thiệu việc làm cho hơn 10.000 lao động, Công đoàn thành phố còn hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 300 “mái ấm Công đoàn”, trị giá 8,63 tỷ đồng; trợ cấp cho gần 85.000 lượt công nhân, viên chức, lao động; tổ chức 2.781 chuyến xe ô tô miễn phí đưa 125.000 lượt người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết…

Góp phần tích cực vào sự phát triển

Chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động là tiền đề thuận lợi để xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, thúc đẩy các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thủ đô, đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Vũ Kim Sơn chia sẻ, các cấp Công đoàn Thủ đô đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XV đề ra. Nổi bật là công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra hằng năm.

Toàn thành phố đã thành lập mới 2.471/2.000 công đoàn cơ sở (đạt 123,55%), phát triển mới 255.000 đoàn viên (đạt 149,84% kế hoạch của nhiệm kỳ), đưa tổng số Công đoàn cơ sở toàn thành phố lên 7.867, với 591.100 đoàn viên. Đến nay đã có 91,66% Công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 50,82% Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đạt tiêu chuẩn vững mạnh, xuất sắc.

Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Công đoàn được đẩy mạnh. Các phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi, rộng khắp, hình thức tổ chức thường xuyên được đổi mới, phong phú, đa dạng, lôi cuốn đông đảo đoàn viên, người lao động và toàn xã hội tham gia. Điển hình là các phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...

Trong khu vực sản xuất, kinh doanh, phong trào thi đua có nhiều mô hình tốt, cách làm hiệu quả, thúc đẩy người lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Trong khu vực hành chính sự nghiệp, phong trào thi đua được cụ thể hóa, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”.

Trong nông nghiệp, các phong trào “Thi đua liên kết phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên toàn thành phố.

Từ phong trào thi đua đã có hơn 154.000 lượt “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; gần 9.000 lượt “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở và gần 600 lượt “Công nhân giỏi Thủ đô” được tôn vinh. Từ hàng chục nghìn “Sáng kiến, sáng tạo” cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, 479 lượt cá nhân tiêu biểu đã được lựa chọn, biểu dương “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”.

32 công trình của công nhân, viên chức, lao động được Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động thành phố khen thưởng, làm lợi hơn 2.500 tỷ đồng; 170 tập thể, cá nhân được biểu dương “Điển hình tiên tiến”; 7 cá nhân được tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Tổ chức Công đoàn đã giới thiệu hơn 30.000 đoàn viên ưu tú với Đảng để bồi dưỡng, rèn luyện và đã có gần 29.000 đoàn viên được kết nạp vào Đảng.

Tuy vậy, để góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025, hoạt động của hệ thống Công đoàn Thủ đô cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong dự thảo nghị quyết trình Đại hội Công đoàn thành phố, mục tiêu đến năm 2022 sẽ thành lập được tổ chức Công đoàn ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; hơn 90% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt tiêu chuẩn xếp loại tốt; hơn 55% Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước, nghiệp đoàn đạt tiêu chuẩn vững mạnh...

Đây là những mục tiêu khắt khe. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Thành ủy, sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cấp Công đoàn, tin tưởng rằng, Công đoàn Thủ đô sẽ đạt được những mục tiêu này, thực sự là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động. 

Phối hợp chặt chẽ vì người lao động

Một trong những điểm nhấn thành công trong nhiệm kỳ 2013-2018 vừa qua là Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã ký kết, thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp công tác với UBND thành phố, đưa phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn Thủ đô phát triển vượt bậc, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Nổi bật là hai bên đã phối hợp triển khai các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, tăng phúc lợi xã hội; tuyên truyền pháp luật cùng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao ý thức công dân cho người lao động. Điển hình là chăm lo người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm tất cả các gia đình công nhân, viên chức, lao động được vui Tết. 

Hằng năm, Liên đoàn Lao động và UBND thành phố tặng hàng nghìn suất quà Tết, phối hợp tổ chức “Tết sum vầy”, thăm hỏi các tập thể, cá nhân người lao động phục vụ Tết. Riêng dịp Tết Mậu Tuất 2018, Liên đoàn Lao động và UBND thành phố tặng hơn 5.000 suất quà. Liên đoàn Lao động thành phố và chính quyền còn phối hợp xây mới, sửa chữa hàng trăm “mái ấm Công đoàn” cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, nhiều năm qua, kinh tế - xã hội của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng bền vững, an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn.


Thu Hương
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm kỳ của đổi mới, sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.