(HNM) - Từ thuốc, thực phẩm, nguồn nước, đất, không khí cho tới các vật dụng trong gia đình… đều có nguy cơ gây nhiễm độc chì cho cơ thể người mà ít ai ngờ tới.
Nguy cơ nhiễm chì từ thuốc cam, sơn, thực phẩm...
Mỗi năm, Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ em ngộ độc chì từ thuốc cam do sự thiếu hiểu biết của người lớn. Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc bệnh viện cho biết, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc nhưng nhiều cha mẹ vẫn quá tin vào loại “thần dược” này. Nhiều người còn cho rằng, thuốc cam có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường… những quan niệm sai lầm này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng với trẻ.
Người dân làng tái chế chì Đông Mai (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe do hằng ngày tiếp xúc với các chất gây hại.Ảnh: Môi Trường |
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các bác sĩ cũng từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi bị ngộ độc chì do sử dụng các loại thuốc Nam, thuốc cam. Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc dẫn chứng, từ tháng 8-2017 đến nay bệnh viện đã tổ chức các đoàn bác sĩ về huyện Lục Nam, huyện Tân Yên và TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) để khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho hàng chục trẻ em có nồng độ chì vượt ngưỡng cho phép. Ở Bắc Giang hiện có khoảng 50 trường hợp bị ngộ độc chì, chủ yếu là do cha mẹ dùng thuốc cam để vệ sinh răng miệng cho trẻ.
“Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất loại chì, asen và thủy ngân ra khỏi danh sách nguyên liệu thuốc y học cổ truyền, tránh tình trạng nhiều loại thuốc cam, thuốc Nam có hàm lượng chì vượt ngưỡng được bán rộng rãi khiến từ năm 2011 cho đến nay, nhiều trẻ bị ngộ độc chì phải nhập viện”, Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Nguy cơ nhiễm độc chì không chỉ từ thuốc cam mà còn đến từ nhiều tác nhân xung quanh môi trường sống. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, nồng độ chì cho phép tồn tại trong cơ thể người là dưới 10mcg/dL. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, hàm lượng chì trung bình trong cơ thể người Việt Nam là 20mcg/dL (gấp đôi hàm lượng chì cho phép). Nguyên nhân được chỉ ra là do ô nhiễm chì từ trong không khí, nguồn nước sinh hoạt và một phần do con người trực tiếp đưa vào cơ thể thông qua ăn uống và sử dụng vật dụng gia đình.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, ngay cả các bao gói đựng thực phẩm, như: Giấy báo, bát đĩa in hoa văn, hộp đựng có chứa chì… hay nhiều nghề nghiệp, như: Sản xuất, tái chế, sửa chữa ắc quy, nung, nấu hoặc tinh chế chì… đến những vật dụng mỹ phẩm, son, đồ chơi có sơn chì, đạn chì… đều là mối nguy cơ khiến chì xâm nhập vào cơ thể. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm độc chì hơn cả, bởi mức hấp thụ chì ở trẻ em cao và lâu hơn ở người lớn.
Một trong những yếu tố có thể gây nhiễm, ngộ độc chì là sơn tường nhưng ít được đề cập đến. PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, chì xâm nhập vào cơ thể con người nhiều nhất là qua đường ăn uống và hít thở. Nếu sử dụng các loại sơn nhiễm chì nhiều màu sắc bắt mắt trong phòng ngủ của trẻ thì nguy cơ trẻ sẽ bị nhiễm độc chì qua đường hít thở.
Càng để lâu, càng nguy hiểm
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nhiễm độc chì là một cảnh báo nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan khi chưa nhìn thấy hậu quả từ việc này, tức là khi cơ thể chưa phát bệnh nên trì hoãn chữa trị, hoặc bỏ dở điều trị. Thực tế, thải được nồng độ chì trong cơ thể không đơn giản, càng để lâu, càng nguy hại cho sức khỏe. Riêng với nhiễm độc chì khiến trẻ có những bất thường về thể lực và trí tuệ, gây thiếu máu, rối loạn ý thức, chậm phát triển về nhận thức, chậm phát triển về chiều cao... Nếu bị nặng, có thể bị liệt cơ, thiếu máu, co giật và hôn mê. Do vậy, khi có những biểu hiện đáng ngờ bị nhiễm độc chì cần đưa người bệnh đến bệnh viện và tuyệt đối tuân thủ các phương pháp điều trị của bác sĩ.
Bác sĩ Lê Ngọc Duy phân tích, các biểu hiện cấp tính khi trẻ bị nhiễm độc chì là tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê... Các biểu hiện lâu dài cũng không điển hình, như: Chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém. Ngoài ra, khi nhiễm độc chì còn ảnh hưởng về tiêu hóa khiến trẻ hay bị nôn, đau bụng, chán ăn. Nhìn bên ngoài, da trẻ xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.
Ngoài các triệu chứng rõ rệt như trên, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu. Để đề phòng ngộ độc chì, gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.
PGS.TS Phạm Duệ cũng đưa ra khuyến cáo, các bậc cha mẹ không được tùy tiện cho con uống thuốc Nam, thuốc cam không rõ nguồn gốc từ các thầy lang. Nếu có, chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, có chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, tuyệt đối không nên sử dụng các vật dụng liên quan đến chì, như: Ắc quy thải loại, đồ chơi có chứa chì… Khi chọn sơn nhà, người tiêu dùng cần tìm hiểu mua những loại sơn không chứa chì. Nếu cha mẹ làm việc trong môi trường có chì nên tắm gội, thay quần áo sạch sẽ khi xong công việc, nhất là trước khi tiếp xúc với trẻ để hạn chế nguồn lây nhiễm chì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.