(HNM) - Những triệu chứng lâm sàng chính của bệnh nhân mắc Covid-19 là sốt, ho, tức ngực, khó thở... Tuy nhiên, hiện thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Đây được xem là nguy cơ lớn gây ảnh hưởng tới nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các quốc gia.
Trưởng bộ phận dịch tễ học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) Raman Gangakhedkar cho biết, cứ 100 người nhiễm Covid-19 tại nước này thì có tới 80 người không có biểu hiện khác thường. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng ghi nhận tới 46,5% số người dương tính với vi rút SARS-CoV-2 không hề có triệu chứng nào ở thời điểm xét nghiệm. Con số này tại Nga là 30%, thậm chí lên tới 52% ở nhiều khu vực quanh thủ đô Mátxcơva. Một số nghiên cứu ước tính, trung bình khoảng 30-40% số người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên toàn cầu không có biểu hiện lâm sàng. Giới chức y tế của nhiều nước cũng thừa nhận, càng mở rộng xét nghiệm những người khỏe mạnh, càng ghi nhận nhiều người nhiễm bệnh không triệu chứng, trong đó hầu hết thuộc nhóm trẻ tuổi.
Lý giải hiện tượng trên, các nhà khoa học cho rằng người mang mầm bệnh mà không có biểu hiện lâm sàng chủ yếu do cơ thể có sức đề kháng mạnh nên vi rút không thể gây bệnh hoặc đang thích nghi để tiến tới nhân lên và phát tác. Khi đó, bản thân người nhiễm cũng như những người xung quanh không thể biết về sự tồn tại của mầm bệnh. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi người mang vi rút đã có thể lây truyền cho người khác.
Theo một nghiên cứu công bố trên Nature (tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, xuất bản tại Anh) hồi tháng 4 vừa qua, những người mang vi rút SARS-CoV-2 không triệu chứng là nguyên nhân của 44% các ca lây nhiễm chéo trên toàn cầu. Giới chuyên môn nhận định, những “nguồn nhiễm vô hình” này sẽ trở thành thách thức mới trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa bởi điều này khiến việc theo dấu và cách ly người nhiễm Covid-19 trở nên đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, hàng loạt quy định về sàng lọc hiện nay vẫn dựa trên các triệu chứng lâm sàng của Covid-19.
Do vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị, việc xây dựng các chiến lược phòng dịch trong giai đoạn sắp tới cần lường trước nguy cơ từ những người mang vi rút không có biểu hiện. Các nước vẫn phải chú trọng cách ly các ca nhiễm, đồng thời tăng cường bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người nghèo… Theo Chủ tịch Quỹ Y tế công cộng Ấn Độ Srinath Reddy, giãn cách xã hội là giải pháp cần được duy trì trong bối cảnh xét nghiệm toàn dân vẫn là điều bất khả thi với mọi quốc gia.
Cùng với đó, việc đưa ra các phương pháp xét nghiệm có độ chính xác cao hơn cũng rất quan trọng. Hiện, Mỹ đã cấp phép lưu hành bộ xét nghiệm Covid-19 thông qua kháng thể trong máu của Tập đoàn Roche, với độ đặc hiệu trên 99,8% và độ nhạy 100%. Điều này đồng nghĩa rằng, kết quả dương tính "giả" rất hiếm hoi, trong khi kết quả âm tính "giả" không thể xảy ra.
Dẫu vậy, việc xác định các ca nhiễm không biểu hiện cũng mở ra cơ hội tìm kiếm các yếu tố miễn dịch, tiến tới vô hiệu hóa vi rút SARS-CoV-2. Mới đây, Viện Y tế quốc gia Mỹ đã tuyển dụng 10.000 tình nguyện viên để xét nghiệm máu nhằm tìm ra những trường hợp nhiễm Covid-19 trong quá khứ mà không hề hay biết để thu thập kháng thể chống lại Covid-19.
Tuy nhiên, khi thế giới vẫn trong hành trình tìm kiếm thuốc đặc trị và vắc xin ngừa Covid-19 thì những người bệnh không triệu chứng vẫn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Việc tuân thủ các quy định y tế, tránh tâm lý chủ quan sẽ giúp các quốc gia kiểm soát được sự lây lan, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.