Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhậu triền miên, ngộ độc thường xuyên

Thu Trang| 08/08/2016 07:02

(HNM) - Thông thường bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng mạnh vào thời điểm cuối năm hoặc dịp nghỉ lễ, Tết. Thế nhưng, chỉ trong 6 ngày gần đây (từ ngày 28-7 đến 2-8), Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã liên tục tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp (methanol).

Mất mạng vì… rượu

Vốn nghiện rượu, trung bình phải uống nửa lít rượu/ngày, bệnh nhân Nguyễn Tư T. (56 tuổi, quê ở Mộc Châu, Sơn La) được gia đình đưa đến BV Đa khoa Mộc Châu đêm ngày 1-8 sau khi bị đau đầu, mắt mờ. Tại đây, bệnh nhân đã hôn mê và được chuyển đến BV Bạch Mai trong ngày 2-8 với tình trạng huyết áp tụt, hôn mê sâu. Sau một ngày được chuyển lên tuyến trên, ngày 3-8, gia đình đã xin đưa bệnh nhân T. về nhà do bị tổn thương quá nặng nên não không hoạt động. Ngay sau khi về nhà, bệnh nhân T. đã tử vong.

Một ca cấp cứu do ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai.Ảnh: Thái Hiền



Tương tự, bệnh nhân Vũ Duy Đ. (54 tuổi ở Thanh Hóa), một người nghiện rượu nhiều năm, đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê sau bữa rượu trước đó 2 ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng methanol trong máu lên tới 35,8mg/dl (trong khi hàm lượng 20mg/dl đã là mức rất cao và gây ngộ độc - PV). Bệnh nhân rơi vào tình trạng tổn thương não và rối loạn chuyển hóa, đang được các y, bác sĩ chăm sóc và điều trị tích cực. Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Đức H. (52 tuổi ở Gia Lộc, Hải Dương), đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), có hàm lượng methanol trong máu lên tới 163mg/dl (gấp 8 lần mức cho phép). Theo các bác sĩ, việc điều trị cho bệnh nhân này sẽ phải kéo dài và chưa thể đánh giá được mức độ phục hồi sau tổn thương của não.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, với tình trạng ngộ độc nghiêm trọng như vậy, có thể cho thấy rượu nấu đã bị pha thêm cồn công nghiệp, thậm chí pha riêng cồn công nghiệp. Khi ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị xuất huyết hoặc nhồi máu, tụt não. Ngoài ra, còn có hiện tượng nhịp tim nhanh, thở nhanh và sâu. Trước khi có các biện pháp điều trị đặc hiệu như hiện nay, các nạn nhân thường bị tử vong do ngừng thở.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo: Ngộ độc rượu đứng hàng thứ 3 gây tử vong sau tim mạch và ung thư. Trong đó, rượu pha cồn công nghiệp methanol là chất cực độc cho con người trong quá trình sử dụng. Khi uống vào methanol cũng như các loại rượu thông thường, nhưng sau 1-2 ngày, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mờ mắt, rồi xuất hiện trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc dẫn đến tử vong. Điều đáng ngại là không thể nhận biết rượu methanol bằng mắt thường hay uống thử.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai): Kết quả xét nghiệm nồng độ rượu trong máu của 758 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu (từ năm 2013 đến 2015) cho thấy, có 80 mẫu (chiếm 10,56%) chỉ có methanol, 8 mẫu (chiếm 1,32%) có cả methanol và ethanol, còn lại là ethanol. Không chỉ rượu pha cồn công nghiệp methanol mới gây hậu quả, mà ngay với rượu ethanol, khi cơ thể dung nạp một lượng rượu, bia nhất định, các mạch máu giãn ra, tim đập nhanh hơn tạo cảm giác nóng lên, nếu vận động mạnh hoặc thay đổi môi trường đột ngột khiến huyết áp tăng cao, gây tai biến, có thể dẫn đến tử vong.

Say rượu chính là ngộ độc rượu

Đưa ra cảnh báo về tác hại của lạm dụng rượu bia, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, Việt Nam đang trở thành quốc gia tiêu thụ rượu bia cao nhất Đông Nam Á với khoảng 3 tỷ lít bia và 68.000 lít rượu/năm. Đáng nói, trong số lượng rượu bia được tiêu thụ có rất nhiều rượu giả, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn. Trong giai đoạn năm 2007-2015 đã có 30/63 tỉnh, thành phố ghi nhận xảy ra ngộ độc rượu với 87 vụ. Hầu hết các loại rượu đã sử dụng gây ngộ độc đều là rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, rượu trắng có hàm lượng methanol cao gây ra 11/50 vụ; rượu ngâm thuốc lá gây ra 8/50 vụ...

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn. Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn tiếp theo biểu hiện rõ ngộ độc. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không thưa, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến BV cấp cứu.

Theo ông Nguyễn Hùng Long, nhiều người chủ quan cho rằng say rượu không nguy hiểm. Thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống.

Để không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, WHO ước lượng rượu bia sử dụng tương ứng với nồng độ cồn sinh ra trong cơ thể người, đó là một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn. Một đơn vị uống chuẩn này tương đương với một chén rượu mạnh (40 độ, 30ml); một ly rượu vang (13,5 độ, 100ml); một cốc bia hơi (330ml); 2/3 chai hoặc lon bia (330ml).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhậu triền miên, ngộ độc thường xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.