Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhặt “sạn” trong kinh doanh bảo hiểm

Thắng Ngọc| 03/03/2012 07:24

(HNM) - Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam dự báo, năm 2012 tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ đạt khoảng 43.000 tỷ đồng, tăng 19-21% so với năm trước. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng này, để phát triển thị trường theo hướng hiệu quả, tăng cường chất lượng dịch vụ khách hàng... vẫn còn những "hạt sạn" cần loại bỏ, trong đó có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị phần.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau từ việc cạnh tranh bởi áp lực tăng doanh số, đến việc giành giật nhân sự... Thực tế hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong thời gian gần đây đã lý giải cho điều này, bởi có không ít doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã bỏ ra 1,5 đồng, thậm chí 2 đồng để lấy 1 đồng doanh số. Trong khi đó, chính sách hậu bán hàng là bồi thường cho khách hàng lại bỏ quên!?... đã dẫn đến tình trạng thị trường mất ổn định, phát triển thiếu bền vững.

Nhân viên Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam tư vấn các dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng.

Để hạn chế tình trạng này, mỗi DNBH cần có chiến lược phát triển lâu dài, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững. Các nhà quản lý khẳng định, cạnh tranh là động lực của sự phát triển, nhưng phải là sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Sự cạnh tranh không lành mạnh là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của DNBH nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung. Một trong những giải pháp cơ bản của chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm ở nước ta giai đoạn 2011-2020 mới được Chính phủ ban hành (ngày 15-2) là phải xóa bỏ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến tình trạng độc quyền trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Nhưng, muốn xóa bỏ tình trạng này cần thực hiện tái cấu trúc thị trường. Tuy nhiên, để việc tái cấu trúc thị trường đạt hiệu quả, giải pháp cơ bản hàng đầu là nâng cao tính an toàn hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng đa dạng của các DNBH trong giai đoạn từ nay đến 2015. Một trong những việc cần thực hiện khi tái cơ cấu là các DNBH phải phối hợp với cơ quan quản lý dịch vụ tài chính khác, tạo lập công cụ đầu tư tài chính dài hạn cho các DNBH và quản lý, giám sát các DNBH trực thuộc các tập đoàn tài chính - ngân hàng. Đặc biệt, phải xóa bỏ hiện tượng khép kín, chia cắt thị trường bảo hiểm, hoàn thiện các quy định bảo đảm sự minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm giữa các DNBH chuyên ngành và DNBH khác theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi năm 2010 đã đề cập.

Trong chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đã nhấn mạnh việc yêu cầu ngành chức năng chỉ đạo các DNBH tuân thủ các nguyên tắc về đấu thầu, cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm, giám sát và xử lý nghiêm các biểu hiện can thiệp hành chính trong việc giao kết các hợp đồng bảo hiểm, đa dạng hóa sở hữu và tiếp tục giảm tỷ lệ góp vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong các DNBH chuyên ngành, nhằm phòng ngừa biểu hiện khép kín, độc quyền trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Từ đó đặt ra mục tiêu phấn đấu cho thị trường bảo hiểm đến năm 2015 đạt 2-3% GDP và đến năm 2020 đạt 3-4% GDP. Trong đó, quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm đáp ứng nghĩa vụ chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho khách hàng đến năm 2015 tăng gấp 3,5 lần và đến năm 2020 tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay ở nước ta có 43 DNBH, trong đó có 29 DNBH phi nhân thọ, 14 DNBH nhân thọ, mà theo đề án tái cấu trúc thị trường bảo hiểm mà Bộ này đang trình Chính phủ sẽ phân thị trường kinh doanh bảo hiểm thành những nhóm DN cụ thể, như các nhóm kinh doanh tốt, bảo đảm tăng trưởng, làm ăn thua lỗ và phải sáp nhập, từ đó có cơ sở tái cấu trúc hiệu quả thị trường này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhặt “sạn” trong kinh doanh bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.