(HNM) - Một chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng với năng lực đào tạo của nhà trường sẽ đồng thời mang lại cơ hội học tập, rèn luyện cho người học và cơ hội phát triển cho cơ sở đào tạo. Xét đến cùng, công tác tuyển sinh chất lượng còn là bước đầu tiên trong quy trình đào tạo đạt chuẩn, đem lại nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định mới liên quan đến tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thu hút sự quan tâm cũng như băn khoăn của dư luận, cũng là điều dễ hiểu. Cụ thể, Điều 7 của Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGD&ĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) đã nêu rõ những nội dung liên quan đến yêu cầu xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy.
Trong đó, có nội dung chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội. Xác định chuẩn đầu ra này, các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp. Năng lực đào tạo của các trường khác nhau thì mức trần vượt trội của tỷ lệ tuyển sinh này ở các ngành (so với năm trước) sẽ khác nhau…
Vậy, thực chất quy định này mới đến đâu, tác động thế nào tới công tác tuyển sinh cũng như chất lượng tuyển sinh?
Trên thực tế, quy định các trường phải công khai trên trang thông tin điện tử về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đã được ban hành từ năm 2009, tại Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT. Nhưng đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng kết quả này làm tiêu chí cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Quyết định này của ngành Giáo dục và Đào tạo cho thấy, Bộ đã đáp ứng mong muốn của xã hội đối với việc nâng chất lượng giáo dục ngay từ khâu đầu tiên - tuyển sinh. Vấn đề chỉ là, quy định công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm có được thực hiện nghiêm túc, thực sự vì mục tiêu chất lượng hay không? Từ đó mới có thể hy vọng vào khả năng tác động của điều kiện này tới việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Đáng tiếc, lâu nay tỷ lệ sinh viên có việc làm theo thống kê của các trường đại học là khá cao, song chưa hẳn phản ánh chính xác thực tế. Vẫn có tình trạng thống kê hình thức, lấy thành tích… Chưa kể, ngay cả khi số liệu thống kê chưa thực sự tin cậy thì số trường công khai tỷ lệ này cũng còn khá nhỏ, chiếm 1/4 tổng số trường đại học trên cả nước.
Như vậy, để quy định mới thực sự có ý nghĩa trong thực tế thì việc đặt mục tiêu chất lượng trong các tiêu chí liên quan phải được coi trọng hàng đầu. Cụ thể, kiểm soát hoạt động công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là việc rất cần được chú trọng. Làm sao để con số này ngày càng thực chất, vừa ghi nhận nỗ lực của cơ sở đào tạo, của sinh viên, vừa tạo lòng tin đối với người dự tuyển, gia đình và xã hội.
Đặc biệt, đã là công khai thì các trường đều cần thực hiện nghiêm túc để bảo đảm công bằng giữa các cơ sở, tạo cái nhìn toàn cục hơn trong vấn đề đào tạo và sử dụng lao động.
Chỉ khi nào các trường đại học và ngành Giáo dục và Đào tạo cùng kiên quyết, nhất quán vì mục tiêu chất lượng để công khai số liệu thực chất, thì các cơ sở đào tạo mới có cơ hội cải thiện môi trường giáo dục, tăng dần chỉ tiêu tuyển sinh một cách bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.