(HNM) - Năm hết, Tết đến. Đây là thời gian thị trường hàng hóa sôi động nhất, nhưng cũng đi kèm nhiều vấn đề
Hàng loạt cuộc kiểm tra được các tỉnh triển khai. Mới đây Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một chợ dân sinh trên địa bàn. Những người theo dõi cuộc kiểm tra kết luận rằng cán bộ kiểm tra "cứ đụng tới đâu thấy sai ở đó". Trên các trang báo gần đây xuất hiện ngày càng nhiều thông tin về thực phẩm kém chất lượng: mỡ bẩn, nội tạng ôi, chế biến mứt cạnh nhà vệ sinh, hàn the có trong chả quế, bún tươi, rồi bột ớt có chất gây ung thư... Tóm lại, những mối lo của người dân khi bước ra chợ mua sắm khi ngày Tết đã cận kề chưa thể nguôi ngoai, nếu không muốn nói là còn tăng cao, cho dù vẫn có những cuộc kiểm tra thường xuyên được thực hiện. Những cuộc kiểm tra xem ra cũng có phần giống như vấn đề giá cả và chất lượng thực phẩm, có nghĩa là cũng... đến hẹn lại lên. Chúng ta chưa thấy được một phương cách nào thực sự mới mẻ, đủ sức thuyết phục để giúp người dân có thể yên lòng hơn là những cuộc kiểm tra mà khi tái kiểm tra, vi phạm cũ vẫn lặp lại.
Bộ Tài chính mới đây cho biết, 28 tỉnh, thành phố báo cáo đã trích từ ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp vay tổng cộng 2.100 tỷ đồng với lãi suất 0% để bình ổn giá hàng hóa dịp Tết. Số tiền này không phải là quá lớn so với thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn hàng đầu thế giới như Việt Nam và mức tăng 20-30% về nhu cầu hàng hóa dịp Tết. Thậm chí, ngay cả khi số tiền đó đủ sức bình ổn bất kỳ biến động bất thường nào về giá cả thì cũng chỉ nên được xem là... một trong số những biện pháp cần chứ chưa thể đủ. Mới đây, bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) đã tạm dừng bán vé xe Tết đối với một doanh nghiệp vận tải do tăng giá vé trái quy định. Đây là biện pháp mạnh và hiệu quả, nhưng lại rất hiếm hoi, dĩ nhiên là chưa từng trở thành biện pháp có tính phổ biến góp phần bình ổn giá cả. Những bức xúc về giá cả trông giữ xe, giá sữa vẫn còn đó - nóng hổi tính thời sự và tựa như một thách thức đối với cơ quan chức năng. Để bình ổn giá cả ngày thường cũng như dịp Tết, biện pháp dùng tiền ngân sách không phải và không thể là tất cả. Cần sử dụng nhiều biện pháp khác và quan trọng là cần xây dựng chế tài đủ sức răn đe những trường hợp vi phạm.
Nhu cầu hàng hóa tăng đột biến dịp Tết là thời cơ tốt để nhiều người lợi dụng tăng giá cao ngất, trà trộn hàng kém chất lượng, đưa hàng tồn kho hoặc hàng không bảo đảm yêu cầu chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh vào tiêu thụ. Trong lúc chen lấn, vội vã sắm Tết, không phải người tiêu dùng nào cũng giữ được sự tỉnh táo hay "thông thái" như người ta vẫn thường khuyến cáo. Giống như trong bóng đá, thị trường dịp Tết là một "trận đấu lớn", còn như một cuộc chạy đua, là giai đoạn nước rút. Đây là lúc, là nơi mà các cơ quan chức năng thể hiện "đẳng cấp" và bản lĩnh đích thực của mình trong thực thi nhiệm vụ. Nhất định phải làm quyết liệt, không thể theo kiểu "đến hẹn lại lên".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.