Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 9/8 đã triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đến trụ sở Bộ Ngoại giao để phản đối việc các tàu của Chính phủ Trung Quốc tái diễn hành động xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong một cuộc họp báo tại Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Theo hãng thông tấn Kyodo, đây là sự phản đối trực tiếp đầu tiên của một thành viên Nội các Nhật Bản đối với Trung Quốc liên quan những hoạt động gần đây của tàu Trung Quốc quanh quần đảo trên. Trước đó, các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nhiều lần phản đối các hoạt động này của tàu Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh với Đại sứ Trung Quốc rằng môi trường xung quanh các mối quan hệ Nhật-Trung "đang xấu đi rõ rệt" và Trung Quốc phải rút các tàu khỏi vùng biển tranh chấp để giải quyết căng thẳng. Ông Kishida nêu rõ Nhật Bản không thể chấp nhận cách ứng xử "đơn phương" làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc, như điều các tàu của chính phủ đi vào vùng biển mà Tokyo khẳng định thuộc lãnh hải của Nhật Bản.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Trình Vĩnh Hoa cho biết ông đã khẳng định với Ngoại trưởng Kishida rằng việc các tàu Trung Quốc hoạt động trên vùng biển gần lãnh thổ của Trung Quốc "là điều đương nhiên". Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, trong ngày 8/8, có 15 tàu của Chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng biển tiếp giáp ngay bên ngoài lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là nhóm tàu đông nhất của Trung Quốc từ trước đến nay vào vùng biển này cùng lúc. Một số tàu trong đó đã vào vùng biển của Nhật Bản.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa của Nhật Bản khoảng 400km về phía Tây và hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển xung quanh quần đảo này. Tranh chấp chủ quyền đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước suốt thời gian qua, đặc biệt sau khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo tại đây hồi tháng 9/2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.