(HNM) - Ba năm sau thảm họa kép động đất, sóng thần kinh hoàng trong lịch sử xảy ra ngày 11-3-2011, những con đường ven biển vùng Đông bắc Nhật Bản giờ đã trở nên sạch sẽ và phong quang.
Không còn bóng dáng của những đống rác khổng lồ chất cao như núi - hình ảnh phổ biến sau thảm họa kép - ở khu vực này cách đây 3 năm, bởi 94% lượng rác thải phát sinh sau thảm họa đã được dọn. Thay vào đó là những công trình công cộng, nhà máy, những ngôi nhà mới… mọc lên. Bất chấp những khó khăn trong công cuộc tái thiết sau thảm họa, cuộc sống của người dân vùng thảm họa đang hồi sinh mạnh mẽ từng ngày.
Các lò phản ứng được thẩm định là an toàn sẽ được Nhật Bản tái khởi động. |
Dù phải đối mặt với không ít thách thức do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn mạnh tay chi tới 250 tỷ USD để tái thiết khu vực Đông bắc - nơi chịu thiệt hại nhiều nhất sau thảm họa kép. Trong đó, chính phủ đã trích ra một khoản ngân sách đáng kể để hỗ trợ những người mất nhà cửa trong sóng thần, với mức đền bù cho những gia đình có nhà cửa bị hư hại là 500.000 yen (tương đương 5.000 USD). Số tiền này tăng gấp đôi nếu ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Nhiều khoản vay dài hạn cũng được chính phủ cung cấp cho dân cư địa phương để xây dựng lại nhà cửa với giá trị tối đa có thể lên tới 120.000 USD và không tính lãi trong 5 năm đầu tiên.
Với 15.884 người thiệt mạng, 2.636 người vẫn còn mất tích, khoảng 267.000 người vẫn phải sống tại các khu nhà tạm nằm rải rác trên cả nước, thảm họa kép ngày 11-3 còn gây ra cho đất nước Mặt trời mọc nhiều thiệt hại không thể tính toán được. Song, một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất suốt 3 năm qua là việc khắc phục sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. Cho dù chính phủ ra tuyên bố vào cuối năm 2011 là cuộc khủng hoảng hạt nhân đã nằm trong tầm kiểm soát nhưng người dân Nhật Bản vẫn rất lo lắng về độ an toàn của loại năng lượng này. Trước khi xảy ra sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy Fukushima số 1, 54 lò phản ứng nguyên tử đã đóng góp 1/3 nhu cầu điện năng của Nhật Bản. Thế nhưng, các số liệu thống kê mới đây cho thấy, trong tài khóa 2012 (kết thúc vào ngày 31-3-2013), điện hạt nhân chỉ chiếm 1,7%, trong khi nhiệt điện phải bù đắp phần thiếu hụt còn lại. Tuy nhiên, trước sức ép ngày một lớn trong dư luận, Chính phủ Nhật Bản đã phải cho ngừng hoạt động tổng cộng 48 lò phản ứng hạt nhân trên cả nước nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng tới môi trường. Với quyết định khó khăn này, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang phải phụ thuộc tới 90% nhu cầu năng lượng nhập từ nước ngoài do mất nguồn cung từ điện hạt nhân.
Điều đó cũng có nghĩa, nếu như không giải quyết được vấn đề năng lượng, toàn bộ nền kinh tế, đời sống xã hội Nhật Bản sẽ đứng trước nhiều rủi ro bất ổn. Sự hồi phục của nền sản xuất hàng hóa, một trong những đòn bẩy chủ đạo cho chiến lược tái thiết kinh tế táo bạo mang tên Abenomics do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng chắc chắn không thể diễn ra như ý. Nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng - cụ thể là điện hạt nhân - là yếu tố then chốt mang ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước sau thảm họa, trong một phát biểu sáng 11-3 tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Thượng viện, Thủ tướng S.Abe thông báo kế hoạch tái khởi động các lò phản ứng đã được Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA) thẩm định là an toàn. Bày tỏ mong muốn nhận được sự cảm thông của người dân địa phương nơi đặt các nhà máy, Thủ tướng S.Abe một lần nữa khẳng định, việc thúc đẩy một chính sách năng lượng có trách nhiệm nhằm ngăn chặn các nguy cơ đe dọa cuộc sống của người dân và hoạt động kinh tế là cần thiết để Nhật Bản hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ bên ngoài. Điều đó cũng sẽ tạo ra những nền tảng cần thiết cho sự cất cánh đang được ấp ủ của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Lên nắm quyền cuối năm 2012 khi công cuộc tái thiết đất nước sau thảm họa thiên tai còn ngổn ngang, chiến lược Abenomics của Thủ tướng S.Abe đã giúp nền kinh tế hơn 127 triệu dân có những thành công ngoạn mục. Mặc dù các số liệu do Văn phòng Nội các và Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy, tăng trưởng của nước này trong năm 2013 không được như dự đoán khi dừng lại ở con số 1,5%, nhưng nếu đặt trong bối cảnh nhiều năm liền giảm phát nghiêm trọng, đây vẫn là một tín hiệu vô cùng lạc quan.
Với quyết định tái khởi động những lò phản ứng hạt nhân nhằm giữ phần chủ động trong cung ứng năng lượng, Tokyo đang nỗ lực vượt qua những âu lo của 3 năm qua để tiếp sức cho sự hồi sinh của nền kinh tế, một trong những yếu tố sống còn để khẳng định vị thế của Nhật Bản trên bản đồ thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.