(HNM) - Với quyết tâm đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế trong khuôn khổ chính sách táo bạo mang tên Abenomics, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa quyết định cải tổ nội các lần đầu tiên kể từ khi bộ máy này được thành lập tháng 12-2014 sau cuộc bầu cử Hạ viện.
Nhật Bản tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế sau cải tổ nội các. |
Quyết định được đưa ra sau khi Thủ tướng S.Abe giành chiến thắng vang dội trong cuộc tranh cử vào chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hồi tháng trước. Đây được xem là động thái mới nhất sau sự kiện Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật an ninh gây tranh cãi nhằm mở đường cho việc quân đội Nhật Bản lần đầu tiên trong 70 năm qua được tham gia chiến đấu ở nước ngoài để bảo vệ đồng minh cũng như mở rộng quyền phòng vệ tập thể. Vì thế, mục tiêu quan trọng của lần cải tổ này cũng như quyết định giữ lại "bộ khung" của nội các cũ là nhằm bảo đảm sự ổn định trong bộ máy điều hành kinh tế đất nước khi Thủ tướng S.Abe dần dịch chuyển trọng tâm ưu tiên của chính phủ từ an ninh sang kinh tế, đặc biệt sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 thành viên hoàn tất đàm phán; đồng thời, bảo đảm rằng dự luật an ninh gây tranh cãi vừa được thông qua sẽ sớm được triển khai.
Với những "tiêu chí" trên, trong số 19 ghế nội các mới, Thủ tướng S.Abe đã lưu nhiệm 8 vị trí quan trọng như Bộ trưởng Tài chính, Chánh Văn phòng nội các, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ trưởng Thông tin và các vấn đề đối nội, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính, Bộ trưởng Phụ trách chấn hưng kinh tế địa phương. Trong số các nhân vật mới của nội các lần này, đáng chú ý có ông Motoo Hayashi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp; Hạ nghị sĩ Hiroshi Moriyama đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Cũng trong đợt thay đổi này, Thủ tướng S.Abe lập thêm một vị trí bộ trưởng mới phụ trách các vấn đề cải thiện xã hội. Đây được coi là một trong những chiếc ghế quan trọng để thực hiện mục tiêu cải thiện an sinh xã hội của chính sách Abenomics giai đoạn 2.
Theo tuyên bố trước khi cải tổ, nhiệm vụ hàng đầu của nội các mới là khôi phục kinh tế và cải cách hệ thống an sinh xã hội. Đối với kinh tế, thách thức đầu tiên là củng cố sức mạnh tài chính của Nhật Bản, vốn bị đánh giá là đang ở giai đoạn yếu và tìm ra biện pháp đột phá để đưa nền kinh tế thoát khỏi giảm phát kéo dài. Đây là một nhiệm vụ khó khăn vì đến nay, chiến lược tăng trưởng của Abenomics giai đoạn 1 được cho là chưa đạt thành quả lớn. Theo số liệu trong bản đánh giá Triển vọng kinh tế thế giới Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2015 chỉ đạt 0,6% và năm 2016 đạt 1,0%. Hai con số này đều thấp hơn các mức dự báo của IMF đưa ra hồi đầu năm (lần lượt là 0,8% và 1,2%). Tuy nhiên, với việc tiến trình đàm phán TPP kết thúc, Chính phủ của Thủ tướng S.Abe đang kỳ vọng rằng thành công này, vốn được xem là một công cụ chủ lực của Abenomics, sẽ nhanh chóng giúp kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ.
Trước những hoài nghi của dư luận, trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng S.Abe đã công bố chính sách Abenomics giai đoạn 2 với ba mục tiêu dài hạn và tham vọng hơn: Thứ nhất là hướng tới GDP 600.000 tỷ yên, vượt xa con số 491.000 tỷ yên trong năm tài khóa 2014. Thứ hai, hướng tới tăng tỷ lệ sinh lên mức trung bình 1,8 trẻ/bà mẹ vào năm 2020 nhờ các biện pháp hỗ trợ tài chính và giáo dục, từ đó duy trì dân số ở mức 100 triệu người trong vòng 50 năm tới. Thứ ba là giảm bớt gánh nặng dân số già lên hệ thống phúc lợi xã hội. Những định hướng mới này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại của Nhật Bản - đang chịu áp lực từ gánh nặng an sinh trong nước.
Như một mũi tên trúng hai đích, việc cải tổ nội các của Thủ tướng S.Abe không chỉ giúp LDP cầm quyền củng cố sức mạnh mà thông qua việc giữ lại các vị trí chủ chốt của nội các cũ, quá trình vận hành nội các mới sẽ thuận lợi hơn. Điều này góp phần giúp Thủ tướng S.Abe tiếp tục kiên định với chính sách Abenomics để sớm đưa nền kinh tế Nhật Bản trở lại với quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.