Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật Bản công bố nội các mới: Kinh tế, quốc phòng - Hai vấn đề trọng tâm

Hoàng Linh| 05/08/2016 06:38

(HNM) - Nhật Bản đã chính thức công bố danh sách 19 thành viên nội các mới, trong đó giữ nguyên vị trí của 8 bộ trưởng, bao gồm nhiều vị trí quan trọng như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Bộ trưởng Phục hồi kinh tế

Nội các mới của Thủ tướng S.Abe đang được người dân Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng.



Với việc giữ nguyên các vị trí chủ chốt về tài chính và kinh tế, Thủ tướng S.Abe mong muốn tiếp tục theo đuổi cải cách kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính; đồng thời quyết tâm thúc đẩy hiệu quả chính sách Abenomics. Bộ máy lãnh đạo kinh tế của xứ Mặt trời mọc trong lần cải cách này cũng có sự góp mặt của một gương mặt mới - ông Seko Hiroshige trong vị trí Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Khác với vai trò của ông Ishihara, ông Hiroshige sẽ đảm nhận việc tư vấn cho Thủ tướng S.Abe về các hiệp định thương mại, quan hệ kinh tế của Nhật Bản - một nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh nước này đang đứng trước ngưỡng cửa gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hỗ trợ ông Ishihara sẽ là nghị sĩ kỳ cựu Yuji Yamamoto. Với vai trò mới là Bộ trưởng Nông nghiệp, ông Yamamoto sẽ dẫn dắt việc đề xuất các chính sách nội địa của Nhật Bản để phối hợp hài hòa với những thay đổi do Hiệp định TPP mang lại, trong đó có mục tiêu giảm giá đối với vật tư nông nghiệp.

Trong số các gương mặt mới của Chính phủ Nhật Bản, sự chú ý đổ dồn về tân Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, thay cho ông Gen Nakatani. Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử, nội các Nhật Bản có Bộ trưởng Quốc phòng là nữ (Thị trưởng Tokyo vừa nhậm chức Yurie Koike cũng từng giữ trọng trách này), tuy nhiên, nữ chính trị gia 57 tuổi thu hút sự quan tâm của dư luận bởi bà là người có quan điểm chính trị cứng rắn, đồng thời rất ăn ý với Thủ tướng S.Abe trong hầu hết vấn đề Nhật Bản đang đối mặt, bao gồm cả nỗ lực sửa đổi Hiến pháp, xử lý mối đe dọa từ Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa, những căng thẳng trong tranh chấp tại biển Hoa Đông hay việc cần thiết mở rộng vai trò an ninh của Tokyo tại khu vực...

Trong vòng 4 năm lên nắm quyền, bên cạnh các "mũi tên" kinh tế, việc xây dựng một chính sách quốc phòng mới với những thay đổi mang tính lịch sử trở thành dấu ấn của "thời đại" S.Abe. Điểm đáng kể nhất là việc thông qua quyền phòng vệ tập thể, động thái bước ngoặt nhằm khôi phục sức mạnh của lực lượng quân sự Nhật Bản. Theo đó, lực lượng này có quyền can thiệp vào các cuộc xung đột ngoài biên giới quốc gia nếu như xung đột đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của xứ Phù tang. Cũng từ sự cải cách này, các công ty Nhật Bản được phép tham gia thị trường vũ khí toàn cầu. Việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quân sự, an ninh với những quốc gia có chính sách thân thiện cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, cho thấy Tokyo đang xây dựng một mô hình an ninh mới với mục tiêu để Nhật Bản chủ động, linh hoạt hơn trong đối phó với các bất ổn đang ngày càng gia tăng tại khu vực.

Căng thẳng trong môi trường an ninh là nguyên nhân quan trọng khiến chính quyền của Thủ tướng S.Abe phải thực hiện những thay đổi về quân sự. Sách Trắng quốc phòng năm 2016 vừa được Nhật Bản công bố đã thẳng thắn đề cập những nguy cơ liên quan đến các hành động gây căng thẳng, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Điều này tái khẳng định lập luận của Thủ tướng S.Abe rằng: Những sửa đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản là nhằm tăng cường năng lực tự vệ... Việc bổ nhiệm một Bộ trưởng Quốc phòng vốn xuất thân là luật sư cũng cho thấy, Tokyo mong muốn sẽ có những bước tiến vững chắc hơn trong các vấn đề xử lý tranh chấp quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích và quyền lợi hợp pháp của mình.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12-2012, đây là lần cải tổ nội các thứ ba của Thủ tướng S.Abe. Bên cạnh việc tạo ra bộ máy kinh tế mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm cải thiện tình trạng tăng trưởng trì trệ, nỗ lực bảo đảm an ninh đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ lãnh đạo của Thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản. Dư luận quốc tế kỳ vọng những thay đổi ở xứ hoa Anh đào sẽ tạo nên động lực mới nhằm khẳng định vai trò, vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á như một quốc gia đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản công bố nội các mới: Kinh tế, quốc phòng - Hai vấn đề trọng tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.