(HNM) - Không ngoài dự đoán, sau khi trở thành Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) thay người tiền nhiệm Abe Shinzo từ chức vì lý do sức khỏe, ngày 16-9, ông Yoshihide Suga đã chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản. Với vai trò người đứng đầu Chính phủ, dù gặp những thách thức nhất định trên cương vị mới nhưng ông Y.Suga được kỳ vọng sẽ là người dẫn dắt đất nước Mặt trời mọc vượt qua khó khăn nhằm đạt được những mục tiêu về kinh tế, chính trị và mở rộng vị thế đất nước.
Là Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản trong gần 8 năm, ông Y.Suga đóng vai trò như nhân vật quyền lực số hai trong chính quyền A.Shinzo. Ông là đồng minh quan trọng của nhà lãnh đạo A.Shinzo trong nỗ lực thực thi chính sách Abenomics với mục tiêu phục hồi lại nền kinh tế của Nhật Bản. Kinh nghiệm dày dạn khiến ông Y.Suga nhận được sự ủng hộ cao trong LDP. Đây cũng là tiền đề giúp ông dễ dàng chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng cầm quyền hôm 14-9 và trở thành Thủ tướng thứ 99 của xứ Hoa anh đào.
Có thể nói, bất chấp nền kinh tế Nhật Bản bị tổn hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tân Thủ tướng Y.Suga được thừa hưởng một di sản tương đối ổn định. Trong thời gian dài tại vị, ông A.Shinzo đã từng bước cải thiện quan hệ không mấy nồng ấm giữa Nhật Bản với Trung Quốc, bảo vệ lợi ích kinh tế và quân sự cho Nhật Bản sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, xoa dịu những lo ngại trên các thị trường tài chính… Do đó, ở vị trí Thủ tướng Nhật Bản, ông Y.Suga tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách Abenomics của người tiền nhiệm. Quá hiểu rõ về chính sách này nên ông Y.Suga sẽ có nhiều thuận lợi khi thực hiện.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ gánh vác một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Thách thức đầu tiên là khống chế dịch Covid-19. Mặc dù làn sóng lây nhiễm thứ hai tại nước này gần như đã được kiểm soát nhưng dịch bệnh vẫn để lại những tác động to lớn tới kinh tế. Nhật Bản cũng đang đứng trước nhiều vấn đề kinh tế - xã hội dài hạn như nợ công lớn và dân số già hóa.
Một thách thức khác là công tác tổ chức các thế vận hội Olympic và Paralympic vào năm 2021 sau khi bị lùi thời gian do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (ban đầu dự kiến là vào tháng 7-2020). Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Y.Suga có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ mới sớm hơn dự định. Cuộc tổng tuyển cử toàn quốc theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 10-2021.
Trong lĩnh vực đối ngoại, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản sẽ phải xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, đồng thời sẽ xử lý vấn đề chi phí đồn trú của binh sĩ Mỹ ở Nhật Bản. Chính quyền mới của Thủ tướng Y.Suga cũng đối mặt với không ít thách thức về đối ngoại tại khu vực Đông Bắc Á. Trên thực tế, quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc đang dần được cải thiện nhưng hợp tác kinh tế vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Trong quan hệ với Triều Tiên, ông Y.Suga cho biết sẵn sàng gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không có điều kiện tiên quyết nào để giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc nhiều thập kỷ trước. Xứ Phù tang cũng phải có những động thái cần thiết nhằm hàn gắn mối quan hệ với Hàn Quốc hiện đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hợp tác an ninh và kinh tế song phương.
Thủ tướng Y.Suga nhậm chức khi Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có, đặc biệt do đại dịch Covid-19. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng và các căng thẳng địa chính trị gia tăng, một nhà lãnh đạo bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm và đi đúng hướng là điều mà Nhật Bản thực sự đang rất cần trong thời điểm hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.