(HNM) - Nhật Bản và Australia vừa ký một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng hôm 6-1 với mục tiêu tăng cường quan hệ an ninh và lần đầu tiên đặt ra khuôn khổ để lực lượng quốc phòng hai nước phối hợp với nhau. Giới chức hai nước đặt kỳ vọng, các thỏa thuận hợp tác sẽ đóng góp vào việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn và ổn định.
Theo trang ABC News, Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA) được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Australia Scott Morrison. Hội nghị trực tuyến được tổ chức như một hình thức thay thế cho chuyến thăm Australia vốn được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 6-1 của Thủ tướng K.Fumio, song tạm thời bị hủy bỏ để nhà lãnh đạo Nhật Bản tập trung vào việc triển khai các biện pháp chống đại dịch Covid-19 ở nước này.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hai nước đã bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận tiếp cận “có đi có lại” từ năm 2014, song tiến trình đàm phán kéo dài do gặp phải một số vướng mắc từ hệ thống luật pháp của Nhật Bản. Thỏa thuận hướng tới mục tiêu hợp lý hóa các thủ tục phức tạp đối với các lực lượng và thiết bị quốc phòng nước ngoài, vốn càng trở nên phức tạp hơn khi các hoạt động tương tác gia tăng. Thủ tướng S.Morrison và cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng đã công bố một “thỏa thuận về nguyên tắc” về RAA vào năm 2020. Hãng thông tấn Kyodo nhận định, thỏa thuận sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhân viên thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Australia...
Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Australia S.Morrison khẳng định: “Nhật Bản là đối tác thân thiết của chúng tôi ở châu Á”. Thỏa thuận RAA sẽ cho phép quân đội Australia và quân đội Nhật Bản phối hợp nhịp nhàng với nhau trong các hoạt động quốc phòng và nhân đạo. Đây là hiệp ước mang tính bước ngoặt, mở ra một chương mới cho hợp tác quốc phòng và an ninh trong một thế giới phức tạp, đang thay đổi nhanh chóng. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản K.Fumio ca ngợi thỏa thuận này là “bước đột phá”, “một công cụ mang tính bước ngoặt sẽ nâng hợp tác an ninh giữa các quốc gia lên một tầm cao mới”.
Trước RAA, thỏa thuận quân sự duy nhất của Nhật Bản là với Mỹ, trong đó cho phép xứ Cờ hoa đặt các tàu chiến, máy bay chiến đấu và hàng nghìn quân trong và xung quanh Nhật Bản. Sau thỏa thuận an ninh với Australia, Nhật Bản cũng đang triển khai các thỏa thuận tương tự với Anh và Pháp, thể hiện mong muốn xây dựng mối quan hệ quốc phòng rộng rãi hơn. Tokyo đã khởi động các cuộc đàm phán với London từ tháng 10-2021; các cuộc đàm phán không chính thức với Paris cũng bắt đầu từ tháng 12-2021.
Trong một tuyên bố được đưa ra trước lễ ký kết, Thủ tướng S.Morrison cho biết, thỏa thuận song phương mới sẽ củng cố sự tham gia thực tế lớn hơn và phức tạp hơn giữa các lực lượng phòng vệ Nhật Bản và Australia. Thỏa thuận này sẽ là một tuyên bố về cam kết của hai quốc gia, cùng nhau giải quyết những thách thức an ninh chiến lược chung và đóng góp cho một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn và ổn định. Theo Reuters, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng, hai bên sẽ làm việc để cập nhật Tuyên bố chung Nhật Bản - Australia về Hợp tác an ninh năm 2007 càng sớm càng tốt, từ đó định hướng rõ ràng cho mối quan hệ song phương.
Theo RAA, Tokyo và Canberra thống nhất mỗi quốc gia sẽ giữ quyền tài phán khi điều quân tham gia các nhiệm vụ chung. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí thành lập một ủy ban chung để thảo luận chi tiết về cách thức thực hiện thỏa thuận. Bên cạnh hợp tác quốc phòng, an ninh, Australia và Nhật Bản cũng có kế hoạch đẩy mạnh các cuộc thảo luận về các cơ hội để tăng cường quan hệ đối tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trong các lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ, vật liệu quan trọng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.