Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhập khẩu linh kiện ô tô tăng mạnh

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 12/12/2022 13:13

(HNMO) - Trong những tháng cuối năm, lượng linh kiện lắp ráp ô tô nhập khẩu về nước liên tục tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam, phục vụ người tiêu dùng giai đoạn mua sắm cao điểm.

Lắp ráp xe Hyundai Elantra tại Việt Nam.

Cụ thể, theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhập khẩu lượng linh kiện và phụ tùng ô tô có giá trị gần 533 triệu USD trong tháng 11, tăng 4,9% so với tháng trước đó; cộng dồn 11 tháng của năm 2022, đạt gần 5,344 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trước đó, tháng 10 cũng chứng kiến nhập khẩu lượng linh kiện và phụ tùng ô tô có giá trị gần 508 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng trước đó; cộng dồn 10 tháng năm 2022, đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc lượng linh kiện nhập về tăng đều đặn là do ngày càng có nhiều nhà sản xuất ô tô lớn hướng tới việc lắp ráp các mẫu xe chiến lược ngay tại thị trường Việt Nam nhằm tranh thủ lợi thế nguồn cung thị trường. 

Mới nhất, THACO đã chuyển hầu hết các mẫu BMW ăn khách tại thị trường Việt Nam như BMW 320, 520, X3… sang dạng lắp ráp, sau một thời gian dài chạy thử nghiệm các dây chuyền tại nhà máy Chu Lai. Theo khảo sát thực tế, xe BMW “Made in Vietnam” có giá thấp hơn đáng kể so với phiên bản nhập khẩu. Mẫu giảm ít nhất theo giá niêm yết tại đại lý hiện là BMW X5 xDrive 40i xLine (giảm 220 triệu đồng), trong khi chênh lệch lớn nằm ở mẫu BMW 330i Sport (giảm tới 740 triệu đồng). 

Xe bán tải Ranger trên dây chuyền lắp ráp tại Nhà máy Ford Hải Dương.

Trước đó, Hyundai cũng đã đưa vào vận hành Nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 (HTMV2). Nhà máy mới này có tổng công suất thiết kế lên tới 100.000 xe/năm, nâng trần sản lượng ô tô tại cụm sản xuất Hyundai ở Ninh Bình lên 180.000 xe/năm. Thương hiệu Hàn Quốc này cũng là một trong số ít các hãng ô tô lớn có tham vọng lắp ráp xe điện tại Việt Nam trong năm 2023, khởi đầu với mẫu IONIQ 5. 

Về phần mình, mẫu crossover mới nhất mà Ford vừa bán ra ở Việt Nam là Territory cũng bắt đầu “ra lò” tại Nhà máy Ford Hải Dương từ ngày 1-11-2022. Đây là nhà máy vừa trải qua đợt nâng cấp mở rộng, nâng công suất từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm. Cũng theo số liệu của hãng xe Mỹ, đã có hơn 1.000 xe Territory được bán ra trong tháng 11. 

Chưa dừng ở đó, năm 2022 còn có một dấu ấn đáng nhớ với ngành công nghiệp ô tô trong nước là việc VinFast đã xuất xưởng lô xe điện VF 8 đầu tiên tới Mỹ, mở đầu tiến trình chinh phục thị trường quốc tế của thương hiệu này. 

Ô tô điện VF 8 trong quá trình lắp ráp ở Nhà máy VinFast tại Hải Phòng.

Việc hoạt động sản xuất ô tô trong nước bùng nổ như trên là diễn biến đáng mừng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, sự gia tăng sản lượng tỷ lệ thuận với lượng linh kiện nhập khẩu cho thấy mức độ nội địa hóa đối với các mẫu xe “Made in Vietnam” chưa thật sự cao. Xe xuất xưởng tại nhà máy Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu từ các trung tâm sản xuất ở quốc gia khác.  

Dù vậy, thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 hiện được giới chuyên môn dự báo sẽ lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng tiêu thụ nửa triệu xe/năm, với sản lượng xe dưới 9 chỗ hiện đã đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong bối cảnh đó, việc ngày càng có nhiều mẫu ô tô phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước được hoàn thiện ngay tại chỗ vẫn là diễn biến tích cực, đóng góp hiệu quả vào tiến trình theo đuổi “giấc mơ công nghiệp ô tô” của đất nước. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhập khẩu linh kiện ô tô tăng mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.