(HNM) - Việt Nam là quốc gia có truyền thống và tiềm năng phát triển nông nghiệp, song sản xuất nông nghiệp (SXNN) còn mang tính tự phát, phương thức canh tác cũ, sản phẩm kém chất lượng, khả năng dự báo và thích ứng thị trường thiếu nhạy bén.
Đổi mới SXNN, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, thu hút đầu tư của các DN trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế… là những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Chương trình hỗ trợ quốc tế trong nông nghiệp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cùng đại diện các công ty đa quốc gia, các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành trong nước diễn ra sáng 26-10 tại Hà Nội.
Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện còn manh mún, phân tán khó áp dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại.Ảnh: Bá Hoạt
Đối diện với những khó khăn
Tầm nhìn mới trong nông nghiệp chính là những thách thức mà loài người đang phải đối mặt khi SXNN chiếm tới 70% lượng nước dùng và thải ra 30% lượng khí thải các bon trên toàn cầu. Trong khi đó, trên trái đất hiện có một tỷ người thiếu đói, một nửa trong số đó là nông dân. 3/4 người nghèo sống ở nông thôn chủ yếu dựa vào SXNN... Ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới tầm nhìn mới với mục tiêu nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, trong khi giảm lượng phát thải các bon xuống 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ trong tương lai. Để phát huy thế mạnh SXNN từng vùng, từng sản phẩm, Bộ NN&PTNT cùng 13 công ty đa quốc gia, một số công ty trong nước và đại diện các địa phương thành lập 5 nhóm công tác với các ngành hàng chính, chủ lực của Việt Nam đó là: chè, cà phê, thủy sản, rau quả và một số ngành hàng chung. Đến nay các nhóm ngành hàng này đang phát huy tác dụng, thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu với chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam hiện đang tăng trưởng trong tình trạng kém bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Đời sống một số bộ phận nông dân chậm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo cao (17,4%). Thu nhập của nhóm hộ có thu nhập cao nhất và thấp nhất có xu hướng giãn ra, từ 8 lần năm 2002, lên 9,2 lần năm 2010. Đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng, trong tương lai, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực từ khủng hoảng kinh tế, suy thoái đất đai và tài nguyên, khí hậu diễn biến bất thường. Nhưng nếu biết tổ chức sản xuất, đổi mới chính sách, ứng dụng khoa học kỹ thuật thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ vẫn có bước phát triển. Tuy nhiên, vấn đề thu hút đầu tư trong nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn bởi đây là ngành kinh tế được đánh giá có nhiều rủi ro nhất.
Nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu các ngành
Để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tránh tản mạn và phân tán nhỏ lẻ như hiện nay, điều cấp thiết nhất là phải cơ cấu các ngành trong sản xuất. Theo Tiến sĩ Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT, hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng định hướng cơ cấu cho từng ngành. Đối với trồng trọt, ưu tiên cao cho nhóm cây rau và hoa, tiếp tục khai thác khả năng tăng giá trị gia tăng trong khâu trồng trọt theo hướng đổi mới cơ cấu giống, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, thực hành GAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, khâu sau thu hoạch và chế biến sẽ được quan tâm đầu tư lớn. Riêng ngành chăn nuôi sẽ tái cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và bò sữa. Chuyển dịch mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo kiểu công nghiệp và công nghệ cao, bảo đảm ATVSTP, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó chúng ta phải chuyển dần chăn nuôi từ vùng đồng bằng lên vùng trung du, miền núi; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa thành phố, khu dân cư. Với ngành thủy sản, Bộ NN&PTNT ưu tiên phát triển nuôi tôm, cá tra và nhuyễn thể. Thời gian tới sẽ đầu tư phát triển nuôi trồng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng ven biển. Yếu tố then chốt trong lĩnh vực thủy sản là phát triển nuôi trồng theo hướng công nghiệp, thâm canh, tăng hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh duy trì cân bằng sinh thái môi trường.
Tham luận tại hội nghị, đại diện ngành công thương cho rằng, điều quan trọng hiện nay của các mặt hàng nông sản là sản xuất theo chuỗi ATVSTP, hình thành mạng lưới tiêu thụ và quảng bá, chủ động điều tiết và bình ổn giá. Còn ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT nêu ý kiến, Việt Nam cần phát triển nuôi lợn, hướng tới xuất khẩu lợn vì tổng đàn lợn hiện đang đứng thứ 6 trên thế giới. Bên cạnh đó là việc phát triển cây ngô, nâng cao năng lực chế biến, tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước, tránh tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng, người chăn nuôi phải bỏ chuồng, bỏ trại. Để tái cơ cấu được các ngành như đề án đưa ra cần phải chuyển đổi cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ cao; thúc đẩy kinh tế hộ theo hướng chuyên môn hóa, đổi mới chính sách, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu thực tế, khả năng chuyển đổi nghề phù hợp. Bà Victoria Kwakwa Giám đốc quốc gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay của nông nghiệp Việt Nam nằm ở khâu sản xuất và quảng bá trên thị trường, Nhà nước, các doanh nghiệp cần nghĩ tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tạo dấu ấn và tiếng vang riêng cho mặt hàng nông sản Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.