Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân tố nguy hiểm

Dục Tú| 11/03/2013 05:44

(HNM) - Thời gian gần đây có thêm thông tin về một dạng vấn nạn xã hội, chính xác là hệ lụy xấu từ việc đòi nợ thuê. Nói hệ lụy xấu là bởi có những giao dịch dân sự tưởng bình thường mà thành nguồn cơn dẫn tới án mạng, nhẹ cũng là động thái trấn áp, khủng bố tinh thần ai đó vướng vào nợ nần - có lý do đáng được thông cảm hoặc không.

Nợ thì phải trả, một việc hiển nhiên ở đời. Biết thế nhưng người mắc nợ không phải ai cũng đủ khả năng trả nợ như mong muốn, vì nhiều lý do khác nhau, có cả chủ quan và khách quan. Trong vấn đề này, tùy vào những sự việc cụ thể, bối cảnh cụ thể mà cơ quan chức năng có cách phân xử hợp lý dựa trên quy định đã có trong các văn bản pháp quy liên quan. Thực tế cuộc sống đang bộc lộ cách phân xử không theo nguyên tắc đã nói. Đã thấy, đã nghe nhiều trường hợp đòi nợ không theo quy định chung, gây hậu quả xấu, cho thấy không thể coi nhẹ vấn đề này. Vì sao?

Giao dịch tín dụng hiện nay, chỉ nói ở góc độ vay và cho vay, thực tế cho thấy tồn tại hai hình thức cơ bản: Giao dịch qua ngân hàng hay tổ chức tín dụng được pháp luật thừa nhận và giao dịch "ngầm" không theo nguyên tắc đã được xã hội thừa nhận. Với những giao dịch ngầm, vấn đề không còn ở chỗ người vay có thể trả được không, trả thế nào, điều đáng ngại là cách thức giao dịch ấy có thể dẫn nhiều người, nhiều gia đình tới đường cùng. Đã có rất nhiều thông tin về thảm họa lãi mẹ đẻ lãi con ở mức khủng khiếp. Đã có những trường hợp do vướng một khoản nợ vì sinh kế chính đáng mà phải trả giá quá đắt, không đáng có. Đã có nhiều vụ đòi nợ thuê dẫn đến va chạm thảm khốc chỉ vì một khoản tín dụng nhỏ…

Vài năm gần đây, ngày càng thấy nhiều hoạt động đòi nợ thuê, sự "nở rộ" có nguyên nhân của nó. Cái gọi là "tín dụng đen" càng phổ biến thì số người tham gia vào việc đòi nợ càng nhiều. Nạn cá độ bóng đá, cờ bạc gia tăng thì số người phải vay nợ tất yếu tăng, trở thành "mồi béo" của dịch vụ cho vay nặng lãi và một số "kền kền đòi nợ thuê". Đó là vấn nạn xã hội đích thực, cần và phải được quan tâm tháo gỡ. Nhưng "gỡ" bằng cách nào? "Gỡ" một vấn đề cụ thể hay phải "gỡ" đồng loạt nhiều vấn đề vốn thể hiện sự liên quan chằng chịt, cái này là cơ sở tồn tại của cái kia? Tất nhiên là phải chọn giải pháp đồng bộ. Trong trường hợp này là siết chặt quản lý cùng lúc đối với tín dụng đen, nguồn cung cấp tài chính không đáng được thừa nhận rộng rãi như hình thức cầm đồ, giảm thiểu tác hại từ nạn cờ bạc, cá độ vốn là nguyên nhân dẫn tới hệ lụy xấu đối với nhiều người. Việc quản lý còn phải hướng tới sự ngăn chặn nguồn thông tin có ý nghĩa thừa nhận (vô tình hay hữu ý) mảng tín dụng "ngầm", có nghĩa liên quan đến nhiều mảng hoạt động khác. Có thể hạn chế việc quảng cáo cách thức lấy kết quả xổ số, lấy "cầu" lô tô, thông tin "nhà cái" dự đoán kết quả bóng đá… dù nguồn thu viễn thông, quảng cáo báo chí có thể bị ảnh hưởng nhất định.

Dịch vụ đòi nợ thuê, dịch vụ cung cấp vệ sĩ, thám tử hay quảng bá thông tin có thể tác động đến nạn cá độ, cờ bạc đều thuộc dạng "nhạy cảm", đáng coi là hình thức kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Xét mức độ gây ảnh hưởng xấu và mối lợi, khả năng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân từ những dạng dịch vụ này, sẽ là đúng nếu đặt ra yêu cầu kiểm soát chặt chẽ.

Trước nay đã kiểm soát đủ mức cần thiết hay chưa? Giải pháp cần có là gì? Chỉ có cơ quan quản lý ngành mới có thể trả lời câu hỏi nói trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân tố nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.