(HNM) - Ngày Môi trường thế giới năm nay với chủ đề
Từ lâu lắm rồi, mục tiêu "Vì một Hà Nội xanh, sạch, đẹp" đã được tuyên truyền, giáo dục đến tận phường, xã, cụm dân cư, gần như ai cũng biết. "Vì một Hà Nội xanh, sạch, đẹp" cũng đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc trên báo chí, trên đường phố, trên các phương tiện giao thông công cộng, một ngày ít nhất người dân Thủ đô cũng nhìn thấy một lần. Kể ra, những việc đã và đang làm cho môi trường của Hà Nội cũng không phải ít, ngân sách thành phố chi hàng nghìn tỷ đồng, chưa thật thỏa mãn nhưng cũng cải thiện được khá nhiều bức xúc cho môi trường dân sinh. Dự án thoát nước đã làm giảm nhiều điểm úng ngập; nhiều đoạn sông đã được làm sạch lại; nhiều hồ nước đã được nạo vét, kè cạp lại bờ, đóng vai trò rất quan trọng trong tiêu thoát nước. Hầu hết các nghĩa trang đã được quy hoạch lại. Hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, điểm kinh doanh gây ô nhiễm đã buộc phải đóng cửa, cải tạo hoặc dời ra ngoại ô. Cáp điện, cáp thông tin ở một số đoạn phố đã được hạ ngầm. Việc chăm sóc, bảo vệ, trồng dặm và dành thêm diện tích cây xanh trên các khu đô thị, tuyến phố mới đã được quan tâm nhiều hơn trước. Kỷ luật về môi trường sống đã được quan tâm, xử lý nghiêm hơn…
Tuy đã có rất nhiều cố gắng và đạt kết quả cũng không nhỏ nhưng vì sao người dân vẫn thấy Hà Nội hình như ngày một bẩn hơn, ngột ngạt hơn, xấu xí hơn? Chính là do cái làm được còn rất xa với cái cần làm. Môi trường Hà Nội đang bị phá vỡ từ nhiều phía trong khi chính quyền thành phố lực bất tòng tâm, thiếu tiền, thiếu người, thiếu cơ chế chính sách và nhất là thiếu những người có năng lực, trình độ, có tầm nhìn xa trông rộng về lĩnh vực này. Với tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt, quy hoạch không theo kịp đà phát triển, phá vỡ hàng loạt các yếu tố môi trường. Khu đô thị mới, nhà cao tầng mọc lên như nấm, thu hẹp không gian xanh thoáng mát, san lấp các hồ điều hòa tự nhiên, chiếm dần diện tích đất nông nghiệp. Những địa chỉ từng là không gian thoáng của Thủ đô như hoa Ngọc Hà, đào Nhật Tân, cây cảnh Quảng Bá, húng Láng, cốm Vòng và sắp tới là cam Canh, bưởi Diễn đã và đang biến mất như những xóm Hà Hồi, ngõ Liên Trì, phố Khương Thượng, Khương Trung đường nhựa, gạch ngói, bê tông như ngày nay. Rác của Hà Nội đang đứng trước nguy cơ ùn ứ vì thiếu chỗ đổ trong khi dự án phát triển các cơ sở chế biến còn khá mờ mịt. Đã chi hàng trăm tỷ đồng nhưng mỗi lần mưa Hà Nội vẫn lo úng ngập. Do cả thành phố là một công trường xây dựng lớn và việc chống bụi, chống khói độc từ ô tô, xe máy chưa được quan tâm nên nồng độ bụi của Hà Nội cao gấp 10 lần mức cho phép. Tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm, độc hại từ các lò mổ, chợ cóc, bệnh viện của Hà Nội cũng chưa cải thiện được bao nhiêu. Vì rất nhiều lý do như thế, Hà Nội đã được xếp là một trong mười thành phố bẩn nhất thế giới. Chỉ riêng việc đó thôi đã nói gần như tất cả.
Nêu lên mặt yếu kém của thực trạng là để tìm giải pháp thay đổi thực trạng đó. Để vững tin vào việc Hà Nội có thể xanh, sạch, đẹp được hãy nhìn vào một số thủ đô và thành phố lớn của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc xa hơn như khu vực Tây Âu. Cách đây không lâu, thủ đô của họ cũng nghèo khổ, xập xệ, ô nhiễm như ta, nhưng ngày nay, đó là những địa chỉ xanh, sạch, đẹp, an toàn bậc nhất trên thế giới. Để có được điều đó thì điều không thể thiếu được và có thể nói là trước tiên, là ý thức của chính quyền và người dân về môi trường. Môi trường chỉ có thể được bảo vệ và gìn giữ khi con người nhận thức được sự quan trọng và quý giá của nó và có những hành động cụ thể vì một Thủ đô xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.