Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận thức đúng, ứng xử đúng

Hoàng Lê| 06/08/2020 10:31

(HNMCT) - Cuối tháng 7, đầu tháng 8, dịch Covid-19 tại Việt Nam có diễn biến mới, phức tạp và khó lường. Ngày càng có nhiều lý do để nghĩ rằng số ca lây nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 chưa dừng lại ngay, sẽ còn tăng trong những ngày tới, có nhiều ca bệnh diễn tiến nặng, lại đã xuất hiện những ca tử vong liên quan đến loại vi rút này.

“Chống dịch như chống giặc” trên tinh thần “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quyết tâm đó là không thể lay chuyển, nhưng cũng cần xác định trước khó khăn để có giải pháp phù hợp, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị bởi cho đến nay, giới chuyên môn vẫn chưa có được cái nhìn chân xác hoàn toàn về “loại giặc lần này”. Diễn biến dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương khác cho thấy còn có yếu tố liên quan chưa được giải mã, có nghĩa khó khăn vẫn là rất lớn.

Chúng ta đang bước vào giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 với những yêu cầu mới phù hợp với đặc điểm, diễn biến của đợt dịch này cũng như nhiệm vụ phát triển đất nước. Không chủ quan nhưng cũng không hốt hoảng, nóng vội làm ảnh hưởng tới sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện qua quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Mục tiêu kép - vừa phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát với quy mô lớn, xử lý triệt để các ổ dịch, nhất là ổ dịch Đà Nẵng, vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xuất hiện trong tư duy quản lý các cấp nhưng cũng có trong câu chuyện ngoài cộng đồng. Ngay cả những người bình thường cũng hiểu tác động tệ hại của đại dịch Covid-19 khi hàng triệu người mất việc làm, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng và giãn cách xã hội, cách ly phân tán hay cách ly tập trung vào lúc này đều là giải pháp chẳng đặng đừng dù điều đó cần thiết cho mục tiêu khoanh vùng dập dịch.

Khó khăn, đặc điểm dịch Covid-19 và yêu cầu phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi người dân toàn tâm toàn ý đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm điều kiện phát triển đất nước về mọi mặt. Thái độ đồng hành đó được thể hiện qua hành động dựa trên nhận thức “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, để mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch; mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn làng trở thành pháo đài mà vi rút SARS-CoV-2 không thể xuyên thủng. Nhận thức đó cần được thể hiện qua hành động cụ thể, cách ứng xử hằng ngày, ở mọi lúc mọi nơi. Từ việc tuân thủ khuyến cáo của ngành Y tế về đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay, tăng cường sức khỏe… đến thực hiện nghiêm yêu cầu về khai báo y tế, giữ khoảng cách cần thiết ở nơi đông người, tự cách ly khi yêu cầu phải làm thế. Ý thức tham gia vào việc chung còn thể hiện ở trách nhiệm thông báo với cơ quan có thẩm quyền về những nghi vấn liên quan tới vấn đề nhập cảnh, hành vi sai quy định về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tung tin giả và tiếp tay lan truyền tin giả về dịch bệnh…

Những ngày đầu tháng 8 mang ý nghĩa quyết định đối với công tác chống dịch nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát với quy mô lớn. Mỗi người cần xác định rõ điều đó để góp sức vào việc chung. Cần hiểu rằng quyền lợi cá nhân gắn chặt với lợi ích chung của toàn xã hội. Quyết sách của Chính phủ có đúng đắn mà từng cá nhân không ý thức được trách nhiệm chung tay thì việc lớn khó thành. Tự bảo vệ mình và gia đình an toàn là góp phần thiết thực giúp đất nước vượt qua đại dịch Covid-19 để có được cơ hội phát triển và mỗi cá nhân có cuộc sống tốt hơn. Không phải những lời “đao to búa lớn” trên mạng xã hội hay bên bàn trà, chính cách ứng xử hằng ngày dựa trên nhận thức đúng đắn của từng cá nhân trong cộng đồng về trách nhiệm đồng hành cùng đất nước là cái gốc tạo nên sức mạnh chiến thắng dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức đúng, ứng xử đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.