Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận thức đúng mới có thể giảm nhẹ hậu quả thiên tai

Hoàng Văn| 15/09/2015 07:11

(HNM) - Do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết từ đầu năm 2015 đến nay diễn biến bất thường và cực đoan, gây thiệt hại lớn về người và vật chất của nhân dân.

Trước thực trạng này, ngày 14-9, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 44 tỉnh, thành phố tìm giải pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, trong 8 tháng qua, thời tiết trên cả nước diễn ra rất bất thường, không theo quy luật tự nhiên nên rất khó cảnh báo, dự báo chính xác. Từ đầu năm 2015 đến nay, nắng nóng gay gắt duy trì liên tục tại 18 tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận, Tây Nguyên gây hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Tổng diện tích không thể canh tác và bị thiếu nước đối với vụ đông xuân, hè thu là 191.323ha. Tại khu vực miền Trung, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, mưa lũ, sạt lở đất, lốc, sét... đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Nâng cấp, kè đê ở Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: Huy Hùng


Đánh giá về tình hình thiên tai, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, trong những tháng cuối năm 2015, hiện tượng El-Nino sẽ có cường độ mạnh kỷ lục trong vòng 60 năm qua, tiếp tục kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề cho sản xuất và cuộc sống của nhân dân, nhất là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Nhiệt độ có xu hướng tăng lên, lượng mưa giảm mạnh, tiếp tục gây ra tình trạng hạn hán ở nhiều địa phương trên cả nước. Dự báo, từ tháng 9 đến tháng 12, trên khu vực Biển Đông còn có thể xuất hiện 6-7 cơn bão, trong đó 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp vào nước ta.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại. Cụ thể, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai còn hạn chế, chưa kịp thời; công tác phối hợp cứu hộ, cứu nạn, nhất là bố trí các lực lượng, phương tiện chưa bảo đảm tính kịp thời và hiệu quả. Nguyên nhân chính dẫn đến những yếu kém này là các địa phương chưa quan tâm thích đáng tới công tác quy hoạch, chưa lồng ghép yêu cầu phòng ngừa thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH; chất lượng thi công công trình xây dựng còn nhiều hạn chế nên có thiệt hại về tài sản... Một tồn tại nữa là những yếu kém trong nhận thức về BĐKH; thể chế, nhân lực triển khai hoạt động ứng phó với BĐKH thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng với thực tiễn. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về PCTT ở nhiều nơi còn chưa được coi trọng dẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản...

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sơn La, Đắc Lắc... kiến nghị một số vấn đề cấp bách như: Nâng cấp cơ sở hạ tầng dự báo bão lũ, sạt lở đất, xây dựng thêm các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hệ thống cảnh báo thông tin, nhất là ở các tỉnh ven biển, các tỉnh khu vực miền Trung để chủ động thông tin tới nhân dân. Đối với các tỉnh miền núi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án di dân, tái định cư khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nâng cấp hồ chứa, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng thay thế. Các tỉnh ven biển, tập trung vào các chương trình nâng cấp đê biển, đê sông, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, xây dựng cụm tuyến dân cư...

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, để hạn chế tối đa những thiệt hại do sự bất thường của thiên tai gây ra, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, nhất là hiện tượng El-Nino để chủ động xây dựng giải pháp ứng phó. Bộ NN&PTNT tính toán nguồn nước bảo đảm cho sản xuất vụ đông xuân trên tinh thần tiết kiệm, trong đó có tính đến phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về PCTT và BĐKH. Theo Phó Thủ tướng, chỉ có nhận thức đúng về thiên tai mới phòng chống và hạn chế tối đa thiệt hại. Ngoài ra, cần từng bước chuyên nghiệp hóa lực lượng làm công tác PCTT-TKCN từ trung ương xuống cơ sở, để chủ động ứng phó hiệu quả.

* Trong 8 tháng, thiên tai đã làm 98 người chết, 18 người mất tích, 112 người bị thương; thiệt hại 1.130 nhà sập đổ, cuốn trôi; ngập, hư hại 45.499ha lúa; thiệt hại 4.636ha diện tích nuôi trồng thủy sản; làm chết hơn 43.000 con gia cầm cùng các thiệt hại về giao thông, thủy lợi, công nghiệp… Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 5.465 tỷ đồng.

* Đêm 14-9, bão số 3 (Vamco) đã đổ bộ vào các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, trong đó tâm bão ở tỉnh Quảng Nam. Khoảng 10h ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ vĩ Bắc; 110,0 độ kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10. Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 14 đến 16-9, các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa 200-400mm, có nơi trên 400mm. Mưa lớn sẽ khiến các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Từ ngày 15 đến 17-9, vùng mưa lớn sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ, lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300mm, có nơi trên 300mm...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức đúng mới có thể giảm nhẹ hậu quả thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.