(HNM) - Lâu nay, sách giả, sách lậu đã trở thành một vấn nạn làm đau đầu những người làm trong ngành Xuất bản. Đáng nói, không chỉ ngang nhiên xuất hiện ở nhiều cửa hàng bán sách, xuất bản phẩm lậu còn đang “tấn công” mạnh mẽ trên môi trường mạng xã hội, với những trang bán hàng rất khó kiểm soát. Hệ quả của việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Xuất bản trên trường quốc tế.
Vì sao ngành chức năng đã có nhiều cố gắng để kiểm soát tình hình, song thực tế, nạn sách giả, sách lậu vẫn hoành hành? Thậm chí, các cửa hàng sách bán trực tiếp hay trực tuyến còn hoạt động công khai như “chỗ không người”? Có nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn chung có thể thấy là sự phối hợp trong công tác quản lý xuất bản để ngăn chặn sách giả, sách lậu giữa các bên liên quan còn chưa chặt chẽ, đã tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng, trục lợi.
Đáng phê phán hơn, vẫn có một bộ phận độc giả vì hám sách rẻ, vô tình “tiếp tay” cho sách lậu, khiến sách giả có đất sống. Trong khi đó, vì "một vốn bốn lời", đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng.
Hiện, văn hóa đọc trong cộng đồng đang được đẩy mạnh và lan tỏa. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để những kẻ làm sách giả, sách lậu lợi dụng để kiếm lời. Do đó, nếu cơ quan chức năng, các nhà xuất bản, tác giả và chính bạn đọc không có hành động quyết liệt và nhận thức đúng đắn về tác hại của sách giả, sách lậu, thì hậu quả về lâu dài rất khó lường.
Trước hết, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý về xuất bản theo các quy định hiện hành. Yêu cầu xuyên suốt là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan để ngăn chặn sách giả, sách lậu từ gốc. Muốn vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được tiến hành thường xuyên để kịp thời phát hiện vi phạm, kiên quyết không cho sách lậu, sách giả có thể tuồn ra thị trường; đồng thời, xử lý nghiêm, có tính răn đe với các vi phạm được phát hiện. Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để bán sách không rõ nguồn gốc, công tác quản lý bán hàng trực tuyến càng phải được nâng cao, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm sớm phát hiện những trường hợp vi phạm để xử lý…
Cũng để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình, giúp ngành Xuất bản phát triển lành mạnh, bền vững, các nhà xuất bản cần chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp, hợp tác chặt chẽ với đơn vị liên quan như ngành Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường... để “quét sạch” sách lậu, sách giả. Cùng với đó, phải làm tốt công tác truyền thông để công chúng hiểu lợi ích từ các đầu sách được xuất bản chính thống, bởi nội dung của nguồn thông tin được kiểm chứng, kiểm soát và chất lượng sách được bảo đảm; kịp thời đưa ra những khuyến cáo chi tiết để người đọc tránh mua phải xuất bản phẩm lậu.
Tác giả - những người sáng tạo tác phẩm phải thường xuyên kiểm soát, chủ động lên án kịp thời và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý khi phát hiện sách của mình bị làm giả.
Còn về phía độc giả, cần thấy rằng, để sáng tạo một tác phẩm, cả tác giả và nhà xuất bản đều phải bỏ rất nhiều công sức mới có được một cuốn sách hoàn thiện. Vì thế, không có lý gì mà ai đó lại vô tình hay cố ý mua sách giả, sách lậu về sử dụng. Việc này đòi hỏi một nhận thức đúng đắn của mỗi người về quyền sở hữu trí tuệ, về bản quyền... để có ý thức hơn trong việc chọn mua sách. Làm được điều đó cũng chính là cách tuân thủ pháp luật, góp phần đưa quy định của pháp luật trong lĩnh vực xuất bản đi vào cuộc sống.
Việc loại trừ hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu là trách nhiệm không của riêng ai, điều này cần cả cộng đồng nhận thức đúng và hành động đúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.