Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân sự ngành ngân hàng: Cuộc đổi thay chóng mặt

Đức Anh| 17/08/2013 06:50

(HNM) - Khó khăn chồng chất trong thời điểm bức tranh nền kinh tế còn nhiều

"Đỉnh cao" và "vực sâu"

Cách đây khoảng 6-7 năm, hầu hết ngân hàng đều phát triển tốt, lợi nhuận luôn đạt mức cao và đó là thời điểm ngân hàng mọc lên như nấm. Tập đoàn nào cũng có, các tổng công ty đua nhau xin thành lập ngân hàng. Doanh nghiệp khỏe, người dân rủng rỉnh tiền nên hoạt động ngân hàng cũng nhờ đó dễ hốt bạc hơn. Bởi thế, được làm việc trong các ngân hàng là mốt thời thượng được giới trẻ ưa chuộng.

Nhân viên ngân hàng từng là nghề được giới trẻ ưa chuộng. Ảnh: Như Ý



Tuy nhiên, thời kỳ này không kéo dài. Khi "hào quang" vụt tắt, vị trí đầu tiên tại các ngân hàng bị soi chính là CEO. Cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng những khó khăn của nền kinh tế trong nước khiến sếp của các ngân hàng thay đổi như chong chóng. Ngoại trừ những ngân hàng thương mại có yếu tố nhà nước ít phải thay đổi về nhân sự cấp cao, còn những ngân hàng cổ phần quy mô từ nhỏ đến lớn đều liên tục có sự luân chuyển. Có những CEO vừa mới bổ nhiệm chưa được bao lâu đã phải rời ghế để nhường cho người khác. Tại một ngân hàng tương đối lớn, không đặt hội sở ở Hà Nội nhưng có văn phòng chính ở đây thay đổi đến 3 lần vị trí CEO trong 5 năm hoạt động. Lý do của sự thay đổi này được cho là CEO chỉ mang tính hình thức, mọi quyết định đều nằm trong tay hội đồng quản trị nên không dễ giữ chân được CEO.

CEO thay đổi nhiều, nhân sự cấp dưới cũng liên tục thay đổi. Đó là với những người được đánh giá là có đủ trình độ, còn đối với những vị trí bình thường hơn như giao dịch viên, chuyện bị đề nghị thôi việc là dễ gặp trong thời điểm này.

Lương, thưởng giảm nhiều

Khó kiếm lợi nhuận, một số ngân hàng đã phải tìm cách cắt giảm hàng trăm nhân viên để giảm bớt chi phí, từ đó giảm mạnh quỹ lương. Cụ thể: Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), với mức giảm của quỹ lương từ hơn 765 tỷ đồng vào cuối năm 2012 xuống còn 692 tỷ đồng. Theo nhân viên ở đây, lương bình quân của họ giảm khoảng 15% so với trước. Hay như một ngân hàng TMCP lớn khác như Á Châu (ACB) và các công ty con của ACB, mới đây có thông tin giảm tới gần 600 nhân viên so với thời điểm cuối năm 2012. Trong đó, riêng nhân sự của ngân hàng mẹ giảm hơn 500 người, giúp tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng lương và phụ cấp cho nhân viên. Thu nhập của nhân viên cũng giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Ngân hàng TMCP Nam Việt, quỹ lương đã được điều chỉnh giảm hơn 30%. Mặc dù giảm thấp hơn, song những khoản chi cho lương và phụ cấp của Ngân hàng TMCP An Bình cũng giảm gần 6%.

Nhiều ngân hàng khác đã phải thông báo giảm lương 20-30% để hạn chế chi phí do lợi nhuận giảm mạnh. Lương giảm nên mức thưởng "khủng" dành cho nhân viên ngân hàng như những năm trước cũng không còn. Có ngân hàng thậm chí còn cắt thưởng cả năm. Thu nhập giảm mạnh, nhân viên phòng giao dịch chỉ còn được hưởng mức lương vài triệu đồng/tháng. Vì thế, nhiều người đã phải tìm cách chạy "chân trong, chân ngoài", vừa làm trong ngân hàng, vừa tìm cách kinh doanh, buôn bán thêm để có thu nhập.

Thay đổi quá nhiều nhân sự cũng gây xáo trộn cho chính các ngân hàng, tác động đến kết quả kinh doanh. Song, một CEO giỏi hay những nhân viên có tài không phải dễ chèo chống với một đơn vị có quá nhiều tồn tại, nên để ngân hàng có phát triển hay không còn cần nền tảng vững chắc. Đã đến lúc phải nhìn nhận lại vấn đề mua bán, sáp nhập ngân hàng để có thể loại bỏ những đơn vị yếu kém, góp phần giúp hệ thống phát triển bền vững.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đối với 9 ngân hàng yếu kém cần cơ cấu lại theo hướng hợp nhất, sáp nhập với đơn vị khác hoặc tự cơ cấu, dù chưa kết thúc các giai đoạn, nhưng phương án đưa ra đều tích cực và có tính khả thi. Đến nay đã có 8 ngân hàng (một đang hoàn chỉnh để trình phê duyệt) có quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu. Việc thực hiện các phương án tái cơ cấu rất tích cực và bước đầu cho thấy có hiệu quả để lấy lại sự ổn định, giải quyết tích cực vấn đề tài chính, quản trị, bộ máy lãnh đạo và quan trọng là lấy lại niềm tin của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân sự ngành ngân hàng: Cuộc đổi thay chóng mặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.