(HNM) - Với khoảng 40% lượng rau củ quả, thực phẩm được nhập từ nhiều địa phương, người dân Thủ đô luôn canh cánh nỗi lo thực phẩm không an toàn. Do đó, việc xây dựng, nhân rộng hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát được xem là một hướng đi hiệu quả, tất yếu.
Các mắt xích... chưa thành một mối
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2011, số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố là hơn 47.000; đến năm 2016 con số này tăng lên hơn 59.000 cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm nay, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ thành phố đến xã, phường, thị trấn đã tiến hành thanh, kiểm tra đối với 50.200 lượt cơ sở; phát hiện 8.397 cơ sở vi phạm, trong đó có 758 cơ sở bị xử phạt với số tiền gần 3,4 tỷ đồng và nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đã bị tiêu hủy.
Người tiêu dùng luôn mong muốn được sử dụng thực phẩm sạch. |
Thời gian qua, công tác quản lý, thanh - kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm còn có diễn biến phức tạp. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mải chạy theo lợi nhuận, không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng. Công tác quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm còn nhiều bất cập. Trong thực tế, do công tác quản lý theo chuỗi thực phẩm - từ trang trại đến bàn ăn - chưa được thực hiện một cách hiệu quả, chưa gắn kết với thị trường tiêu thụ cũng như việc xây dựng thương hiệu, xác định rõ xuất xứ của sản phẩm nên các loại thực phẩm an toàn chưa có được chỗ đứng vững chắc trong người tiêu dùng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thừa nhận, nhiều đơn vị, cá nhân xin được giấy xác nhận đủ điều kiện ATTP, có giấy thông hành, nhưng do nhu cầu của thị trường và vì chạy theo lợi nhuận nên họ sẵn sàng mua thêm sản phẩm bên ngoài. Lực lượng chức năng đã "nhận dạng", xử lý, đưa ra lời cảnh báo đối với nhiều đơn vị lớn, có uy tín nhưng lại thu mua rau, củ, quả từ nhiều nguồn mà bản thân họ không thể truy xuất được nguồn gốc. Nguyên nhân gây ra thực trạng trên là các mắt xích trong quy trình từ nhà sản xuất, nhà quản lý, đơn vị tiêu thụ, người tiêu dùng hiện chưa kết thành một mối. Mối liên kết giữa người kinh doanh, nuôi trồng còn lỏng lẻo vì mỗi nơi đều đi tìm lợi ích cho riêng mình.
Cần nhân rộng mô hình điểm
Mới đây, Ngành Nông nghiệp đã công bố danh sách 264 cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn. UBND quận Thanh Xuân cũng vừa tổ chức khai trương 2 cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát: Cơ sở I có địa chỉ tại số 2, ngõ 320 đường Khương Đình, phường Hạ Đình; cơ sở II đặt tại Trung tâm Dạy nghề quận Thanh Xuân ở ngõ 9 đường Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính. Đây cũng là quận đầu tiên trên địa bàn Hà Nội mở cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát. Quận Thanh Xuân cũng có kế hoạch nhân rộng các cửa hàng này tại tất cả các phường trên địa bàn. “Để xây dựng và nhân rộng hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn thì cần phải có chính sách hỗ trợ cho đơn vị đứng ra tiêu thụ, tránh thông qua trung gian. Khi nông sản được kiểm soát chặt chẽ từ khâu nuôi trồng, sơ chế, vận chuyển tới người bán thì chắc chắn sản phẩm có độ an toàn cao”, ông Nguyễn Đắc Lộc nói.
Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, thành phố đã ra quyết định thành lập 5 đoàn liên ngành để kiểm tra, xác minh thông tin được người dân và các cơ quan phản ánh về vấn đề ATTP. Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương đã tăng cường phối hợp hoạt động để đưa ra các biện pháp chỉ đạo liên ngành, tiến hành điều tra, rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Hiện số người tham gia vào công tác quản lý, kiểm tra ATVSTP là 11.000. Hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm đã được vận hành theo chuỗi, từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện, xã, phường. Ông Trần Ngọc Tụ đề xuất: Cần xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho thanh tra ATVSTP; đẩy mạnh xử lý vi phạm ATTP, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, cần nhân rộng mô hình điểm về ATTP; tăng cường phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng hệ thống ATTP tiên tiến của thế giới.
Khẳng định vấn đề cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng cao cho nhân dân là vấn đề không đơn giản, ông Nguyễn Đắc Lộc mong rằng, từ người sản xuất, doanh nghiệp cho đến các nhà khoa học, các cấp quản lý cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Các cấp quản lý cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ sản xuất, giảm "gánh nặng" thủ tục hành chính, tạo cơ chế vay vốn thuận lợi cho các doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và là cầu nối giữa "4 nhà". Các nhà khoa học cần hợp tác với doanh nghiệp, người sản xuất để đưa ra các quy trình sản xuất chuẩn, có chất lượng cao, đồng thời đưa ra các luận cứ để chứng minh cho quy trình sản xuất an toàn; áp dụng công nghệ vào phần việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa để giúp người tiêu dùng yên tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.