(HNM) - Trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề đáng báo động, giải pháp quản lý sản phẩm từ nguồn - khâu sản xuất có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, ngành nông nghiệp Hà Nội xác định, không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình nông sản an toàn.
Hình thành vùng sản xuất
Hà Nội là địa phương có thế mạnh sản xuất những loại quả, rau, trái cây đặc sản. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Hiện Hà Nội đang tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn như: Vùng sản xuất rau an toàn, vùng cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng sản xuất chè sạch, lúa chất lượng cao,… Hầu hết mô hình sản xuất đều thực hiện theo các tiêu chuẩn VietGAP. Ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 3 nhãn hiệu gạo, nhiều nhãn hiệu rau, trái cây,… Đặc biệt, thành phố đã hình thành vùng nhãn chín muộn đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cuối năm 2015, nhãn chín muộn Hà Nội đã được gửi đi phân tích và đang đợi hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu vào thị trường khó tính này.
Chú trọng công nghệ nông nghiệp là giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hằng năm, Trung tâm xây dựng và triển khai nhiều mô hình, chủ yếu là sản xuất theo hướng an toàn. Cụ thể, trong năm 2016, Trung tâm triển khai tổng số 20 dạng mô hình, trong đó trồng trọt có 13 dạng, chăn nuôi, thủy sản có 7 dạng mô hình trên địa bàn các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp của thành phố, bao gồm nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn như: sản xuất lúa hữu cơ - giống Bắc thơm số 7, quy mô 40ha, bí xanh chất lượng, nuôi trồng thủy sản an toàn, nuôi lợn bằng thảo dược,…
Ông Vũ Xuân Tự - hộ chăn nuôi thủy sản tại thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, Phú Xuyên, cho biết: Trước kia, chăn nuôi thủy sản tại Tri Trung chủ yếu phát triển tự phát, nông dân tự thuê mướn ao, ruộng để mở rộng sản xuất. Nguồn thức ăn cho cá, thủy sản mua trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, từ khi tham gia xây dựng vùng thủy sản an toàn, gia đình ông Tự đã chủ động bảo đảm an toàn nguồn nước nuôi trồng, toàn bộ nguồn thức ăn được thu mua có nguồn gốc, được HTX kiểm soát. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi thủy sản tại Tri Trung đã đáp ứng được các điều kiện chăn nuôi an toàn, chất lượng.
Giải quyết khâu thị trường
Theo ông Đỗ Văn Đang, Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu, Đan Phượng, mấy năm trở lại đây, Trung Châu phát triển mạnh chăn nuôi lợn, hiện đã hình thành khu chăn nuôi xa khu dân cư ngoài vùng bãi với mục tiêu tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn. Đặc biệt, xã đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình nuôi lợn an toàn bằng thảo dược. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm đều được thương lái thu mua, đầu ra sản phẩm chưa ổn định nên người dân chưa dám mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đánh giá, hiện nay vấn đề tiêu thụ nông sản an toàn còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết sản phẩm nông sản được thu mua thông qua thương lái, một lượng rất nhỏ được các doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng đăng ký mua trực tiếp với nông dân. Do đó, để các mô hình sản xuất nông sản an toàn sản xuất ổn định, cần tính đến đầu ra cho sản phẩm. Ông Chí cũng nhận định, trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang nhức nhối như hiện nay thì người tiêu dùng không ngại mua nông sản giá cao để có những sản phẩm an toàn. Song việc liên kết, kết nối với người tiêu dùng còn lỏng lẻo nên bài toán đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Để tìm hướng đi cho nông sản an toàn, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, năm 2016 Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức các "Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại Hà Nội". Chương trình sẽ là cơ hội để các cơ sở sản xuất và kinh doanh nông sản thực phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tuyên truyền quảng bá các sản phẩm chất lượng, đặc sản vùng miền đến các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng Thủ đô. Tại đây, các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội có dịp tìm kiếm các cơ sở sản xuất uy tín của các tỉnh, thành phố để liên doanh, liên kết. Người tiêu dùng Thủ đô có cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm tốt từ khắp các vùng miền, qua đó tăng cường thúc đẩy các hoạt động kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.