(HNM) - Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 năm nay có chủ đề
Trên thực tế, phải thừa nhận rằng tình trạng buôn bán thuốc lá diễn biến phức tạp, hiện tượng hút thuốc nơi công cộng còn phổ biến, tỷ lệ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá còn thấp, việc xử lý vi phạm hành chính chưa triệt để… đang là thách thức đối với công tác phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá.
Biển báo không hút thuốc ở bệnh viện nhằm hạn chế người sử dụng thuốc lá. Ảnh: Phương Thanh |
Tỷ lệ nam giới hút thuốc còn rất cao
Tại hội nghị "Đánh giá 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội, theo Bộ Y tế, hàng loạt giải pháp PCTH của thuốc lá được triển khai, từ Chiến lược quốc gia về PCTH của thuốc lá đến năm 2020, triển khai các chương trình can thiệp như in cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ thuốc lá, cấm toàn diện quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá... đến việc ban hành Luật PCTH của thuốc lá. Đến nay, tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm từ 56,4% xuống 47,4% ở nam giới và từ 1,8% xuống 1,4% ở nữ giới; nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá được nâng cao khi có 95% số người trưởng thành tin rằng thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh tật và 87,0% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc thụ động cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, hiện nay, công tác PCTH của thuốc lá ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, ý thức tuân thủ pháp luật về PCTH thuốc lá của một bộ phận cán bộ và người dân còn thấp; tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng còn khá phổ biến. Lãnh đạo các bộ, ngành, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm hoạt động PCTH thuốc lá. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam còn rất cao - 47,4%. Thời gian qua, việc quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá tại các điểm bán lẻ còn phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Mặc dù Luật PCTH của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 nhưng đến nay, có rất ít trường hợp vi phạm bị xử lý. Trường Đại học Y tế công cộng mới đây đã công bố kết quả điều tra tình trạng vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá tại gần 1.200 điểm bán thuốc lá của 6 tỉnh (Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Tháp, Bạc Liêu), theo đó tỷ lệ vi phạm quy định không thay đổi so với trước khi có luật. Chẳng hạn, việc Luật PCTH thuốc lá quy định "không trưng bày quá 1 bao hoặc 1 tút thuốc lá của một nhãn hiệu thuốc lá tại điểm bán" nhưng tình trạng vi phạm vẫn tràn lan. Tỉnh có tỷ lệ vi phạm thấp nhất là 78%, còn lại hầu hết là trên 90%. Khảo sát cho thấy tại các cửa hàng kinh doanh thuốc lá đều có biển dán dòng chữ: "Cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi" nhưng có kích thước quá nhỏ, dán biển tạm bợ và đặt ở chỗ khó quan sát.
Một nghiên cứu khác của Hội Y tế công cộng Việt Nam cho thấy, 55,6% số người được hỏi nói rằng có hút thuốc lá tại đám cưới, lễ hội; hơn 20% hút thuốc lá tại các khu vực làm việc trong nhà; 52,9% các nhà hàng, quán bar, cafe, karaoke, vũ trường có tình trạng hút thuốc lá. Tuy nhiên, chỉ khoảng 2% trong số nói trên bị nhắc nhở.
Thay đổi - Cần rất nhiều thời gian
Việc xử phạt vi phạm hành chính với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng khó thực hiện vì hành vi này diễn ra nhanh, trong khi lực lượng chuyên trách hạn chế. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho rằng, để người dân thay đổi hành vi hút thuốc cần rất nhiều thời gian. Thêm vào đó, ở nước ta, tỷ lệ sử dụng thuốc lá rất cao, trong khi lực lượng thanh tra quá mỏng.
Mới đây, Bộ Y tế đề xuất UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đưa quy định hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Đề xuất này mở rộng phạm vi cấm hút thuốc hơn so với các quy định của Luật PCTH thuốc lá. Hiện luật chỉ cấm hút thuốc lá ở các địa điểm công cộng và một số các địa điểm có ảnh hưởng đến sức khỏe như trong khuôn viên bệnh viện, trường học... chứ không cấm hút tại các hoạt động ngoài trời.
Với đề nghị các địa phương cần cấm hút thuốc lá ở đám tang, đám cưới, lễ hội, nhiều ý kiến cho rằng đó là việc khó thực hiện bởi ở các vùng quê, đám cưới tổ chức tại gia đình, rất khó kiểm tra và xử phạt. Mặt khác, để việc PCTH thuốc lá mang lại hiệu quả thì cần có những biện pháp mạnh.
Nhằm đánh giá hiệu quả của việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá, trong tháng 6 tới, Bộ Y tế sẽ tiến hành một cuộc tổng điều tra lần thứ 2 về tình trạng hút thuốc lá trong cộng đồng và thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành. Quỹ PCTH thuốc lá (Bộ Y tế) cũng sẽ hỗ trợ hoạt động tăng cường thực thi nghiêm Luật PCTH của thuốc lá trên toàn quốc. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là ở khâu thực thi. Nếu chỉ dựa vào hình thức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục thì e rằng hoạt động PCTH thuốc lá vẫn sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Ra mắt tổng đài 18008066 tư vấn cai nghiện thuốc lá Việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây các bệnh ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Tại Việt Nam, tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá chiếm gần 60%; mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Bộ Y tế chính thức triển khai mô hình cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai, Phổi trung ương, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa trung ương Huế và Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh). Tại Hà Nội, người dân có thể điện thoại đến tổng đài 18008066 để được tư vấn hoặc đến bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ cai nghiện toàn diện. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.