Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lực du lịch Việt Nam khi gia nhập AEC: Cơ hội tới cùng thách thức

Lâm Vũ| 07/11/2015 07:43

(HNM) - Cuối năm nay, Việt Nam sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Sự kiện này được cho là có tác động lớn đến ngành Du lịch...

Rào cản ngoại ngữ

Tại Diễn đàn du lịch ATF 2009 được tổ chức tại Hà Nội, các Bộ trưởng Du lịch trong khối ASEAN đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (Thỏa thuận MRA-TP). MRA-TP là khuôn khổ để so sánh khung trình độ nghề du lịch ASEAN với khung trình độ của các quốc gia trong khu vực, từ đó đánh giá và công nhận năng lực, trình độ của lao động du lịch theo chuẩn mực chung. Mục tiêu cuối cùng của thỏa thuận này là tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động và cân bằng cung - cầu về nguồn nhân lực du lịch của các nước thành viên.

Ngoại ngữ vẫn là rào cản chính đối với nhân lực ngành Du lịch. Ảnh: Linh Ngọc


Theo ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch, Thỏa thuận MRA-TP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, người lao động có thêm điều kiện để phát huy năng lực, đồng thời có cơ hội làm việc tại nhiều nước khác trong khu vực. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng sẽ được nâng lên bởi chất lượng nhân lực và dịch vụ bảo đảm đạt chuẩn khu vực. Tuy nhiên, ông Trần Phú Cường khẳng định, Thỏa thuận MRA-TP cũng đặt ra không ít thách thức. "Nếu người lao động không nâng cao nghiệp vụ, kiến thức và kỹ năng thì chúng ta có thể bị thua ngay trên sân nhà. Lao động của các nước khác có thể đến làm việc tại Việt Nam và những lao động thiếu năng lực của Việt Nam có nguy cơ bị mất việc. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp trong nước không nỗ lực đổi mới để giữ chân người lao động có năng lực, tay nghề cao thì bản thân doanh nghiệp có thể bị chảy máu chất xám, khả năng cạnh tranh bị suy giảm", ông Trần Phú Cường nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc Dự án tăng cường nguồn nhân lực du lịch do Luxemburg tài trợ, tính đến nay, cả nước có 700.000 người làm việc trực tiếp và hơn 1,5 triệu người làm việc gián tiếp trong ngành Du lịch. Rất nhiều trong số này chưa đủ kỹ năng về nghề nghiệp, ngoại ngữ để sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh với những người lao động có kỹ năng trong khối. Chỉ tính riêng ngoại ngữ, hiện mới có khoảng 60% số người làm việc trực tiếp nói được tiếng nước ngoài, trong số này có 42% nói được tiếng Anh nhưng chỉ có 15% có khả năng nói lưu loát.

Ngóng tiêu chuẩn nghề theo khung trình độ quốc gia

Bà Nguyễn Hoài Thu, Trường Đại học Phương Đông cho biết: "Hiện chương trình học của các trường được thiết kế theo nội dung, trong khi đó, bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN lại được thiết kế theo năng lực. Do đó, việc chưa có bộ tiêu chuẩn nghề theo khung trình độ quốc gia khiến chúng tôi không biết thiết kế dung lượng tiết học thế nào cho phù hợp".

Theo ông Trần Phú Cường, có 6 ngành nghề trong lĩnh vực du lịch sẽ được công nhận trong phạm vi toàn khối vào cuối năm 2015, khi Việt Nam tham gia AEC, đó là: Buồng, lễ tân, nhà hàng, chế biến món ăn, đại lý lữ hành và điều hành tour. Trong các năm tiếp theo, các ngành nghề khác trong lĩnh vực du lịch sẽ được công nhận. Chỉ riêng nghề hướng dẫn viên tạm thời chưa được các nước ASEAN đề cập đến với lý do đây là "đại sứ văn hóa" của mỗi nước nên cần người sở tại.

Điều đáng nói là, tuy "giờ G" đã cận kề nhưng các trường đào tạo nhân lực du lịch vẫn loay hoay không biết nên đào tạo theo hướng nào bởi hiện có tới 3 tiêu chuẩn trình độ nghề, gồm: Tiêu chuẩn theo Chương trình VTOS của Dự án EU, tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL và tiêu chuẩn nghề tham khảo các nước ASEAN của Tổng cục Dạy nghề. "Việc công nhận nghề lẫn nhau giữa các nước ASEAN đã được ký từ năm 2009 và lẽ ra bộ tiêu chuẩn nghề theo khung trình độ quốc gia phải có từ năm 2013 để lứa sinh viên ra trường tới đây có thể hội nhập ngay khi AEC có hiệu lực. Thế nhưng, cho đến nay, các trường vẫn đang ngóng khung trình độ quốc gia", đại diện Trường Cao đẳng Nghề du lịch Hà Nội cho biết.

Trong khi Việt Nam còn khá lúng túng thì một số nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia đã có những bước chuẩn bị khá tốt cho việc hội nhập. Chẳng hạn, cách đây hai năm, Indonesia đã bắt đầu dạy cho sinh viên du lịch về hội nhập, sự khác biệt văn hóa khi làm việc ở nước ngoài và đã gửi một số sinh viên đi thực tập ở nước ngoài. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia du lịch, với việc chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội nhập, cơ hội của lao động Việt Nam khi tham gia AEC sẽ khá hạn chế. Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng, nhân lực du lịch Việt Nam vẫn còn cơ hội bởi mức lương mà doanh nghiệp Việt Nam trả cho người lao động chưa thực sự hấp dẫn nên chưa chắc đã thu hút được lực lượng lao động có tay nghề cao của nước ngoài. Việc hội nhập là một quá trình nên lao động cấp thấp vẫn còn thời gian để cải thiện kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu hội nhập, nhóm lao động giữ phần việc điều hành cấp cao, trưởng, phó các bộ phận sẽ bị ảnh hưởng bởi phải "đua" với những đồng sự có kỹ năng và kinh nghiệm từ nước ngoài vì bản thân doanh nghiệp trong nước cũng muốn thuê lực lượng này để nâng cao chất lượng quản lý.

Không biết nhận định nào sẽ đúng trong tương lai. Tuy nhiên, dù sự thể diễn biến thế nào thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã là yêu cầu cấp bách, cần thực hiện quyết liệt ngay từ bây giờ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân lực du lịch Việt Nam khi gia nhập AEC: Cơ hội tới cùng thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.