Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên niềm tự hào dân tộc

Thu Hằng| 14/12/2022 06:35

(HNM) - Với niềm yêu thích và mong muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc, một nhóm học sinh của Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đã nghiên cứu, chế tạo "Mô hình trận Điện Biên Phủ trên không”. Ý tưởng sáng tạo này đã góp phần giúp học sinh hiểu, thêm yêu và tự hào về truyền thống hào hùng của đất nước, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc dạy và học môn lịch sử ở nhà trường phổ thông.

Nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chế tạo “Mô hình trận Điện Biên Phủ trên không”.

Mô hình phục vụ giảng dạy và học tập môn lịch sử

Trước việc dạy và học môn lịch sử còn khô khan, thiếu các mô hình trực quan sinh động, gây khó khăn cũng như làm giảm hứng thú đối với các em học sinh, 5 học sinh Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, gồm: Hoàng Thiên Sơn (lớp 8A3), Lê Việt Linh (lớp 8A3), Mai Chí Kiên (lớp 8A3), Phạm Quang Hưng (lớp 9SB1), Trần Đan Thảo (lớp 7A6) đã nghiên cứu, chế tạo một mô hình sa bàn phục vụ cho việc giảng dạy và học tập môn lịch sử.

Theo Trưởng nhóm Phạm Quang Hưng, trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022), là những học sinh được sinh ra, lớn lên, học tập ở Thủ đô, các em vô cùng tự hào về những chiến công oanh liệt của cha ông nên đã quyết định nghiên cứu, chế tạo “Mô hình trận Điện Biên Phủ trên không”. Mô hình tái hiện những địa điểm lịch sử cụ thể của trận đánh, như: Cánh đồng Phù Lỗ (Đông Anh), Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên, cầu Long Biên, Nhà tù Hỏa Lò… thông qua việc ứng dụng một số công nghệ hiện đại.

Còn theo em Hoàng Thiên Sơn, “Mô hình trận Điện Biên Phủ trên không” gồm có phần sa bàn và bộ công cụ trợ giúp được ghép nối với nhau. Sa bàn được làm từ gỗ, bìa fomex và bìa các tông với kích thước 1.200x1.000x200mm. Cơ sở dữ liệu của phần mềm mô hình được chia thành 3 phần chính: Nội dung thuyết minh bằng tiếng Việt, tiếng Anh; bộ hình ảnh, nội dung thuyết minh được thể hiện thông qua QRcode ở mỗi địa danh: Phố Khâm Thiên, cầu Nhật Tân… và các sự kiện, nhân vật quan trọng, như: Anh hùng Phạm Tuân, bí quyết đánh B-52; tên lửa SAM-2; chiến dịch Linebacker II… Đây là những kiến thức về các địa danh nổi tiếng trong trận “Điện Biên Phủ trên không”. Các mã định danh QRcode giúp học sinh có thể mở rộng thêm hiểu biết cụ thể thông qua việc sử dụng điện thoại thông minh. Các thông tin trên QRcode có thể bổ sung, cập nhật từ các nguồn tin cậy.

Khi khởi chạy, người dùng sẽ ấn vào nút để chạy chương trình và tiến hành chọn ngôn ngữ tiếng Việt hoặc tiếng Anh (phần ngôn ngữ này, các em đang cập nhật). Sau đó bấm điều khiển lựa chọn các phân cảnh cần thuyết minh theo ngôn ngữ lựa chọn. Kèm theo đó là các hiệu ứng sử dụng mô hình chuyển động của máy bay, mã định danh, đèn Led làm nổi bật các địa danh được nhắc tới…

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm

“Mô hình trận Điện Biên Phủ trên không” đã được trao giải Nhất cuộc thi Sáng tạo trong thanh thiếu niên và nhi đồng thành phố Hà Nội lần thứ 18. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Nguyễn Anh Tuấn cho biết, lần đầu tiên hình ảnh trực quan sinh động về một trận chiến mang tầm lịch sử của quân và dân ta được thể hiện bằng mô hình cụ thể. Mô hình sinh động bằng cả hình ảnh, âm thanh gắn với việc áp dụng khoa học, công nghệ, giúp tăng tính tương tác với người sử dụng, tránh được sự nhàm chán so với một số mô hình đã có từ trước (chỉ là các mô hình tĩnh, sản phẩm đã cài đặt phần mềm thuyết minh theo ngôn ngữ nhất định).

“Mô hình trận Điện Biên Phủ trên không” rất thực tế và hữu ích, không chỉ dành cho học sinh mà cả giáo viên, phục vụ tốt cho phương pháp giáo dục trực quan, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học trong nhà trường. Đặc biệt, mô hình sau khi hoàn thiện có thể lắp đặt và sử dụng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các trường học và các địa điểm giáo dục về lịch sử để học sinh, giáo viên, khách du lịch trong nước và quốc tế tìm hiểu thêm về lịch sử nước ta, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc.

Theo em Trần Đan Thảo, với sản phẩm này, các em mong muốn mang một môi trường học tập tích cực đến với các bạn, giúp nâng cao hứng thú trong việc học nói chung và học môn lịch sử nói riêng. Còn theo cô giáo Trần Thị Thu (Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy), thông qua mô hình này, các em học sinh còn muốn gửi gắm thông điệp: Chúng ta hãy xây dựng một thế giới hòa bình, không có chiến tranh.

Trưởng nhóm Phạm Quang Hưng cho hay, do thời gian và kinh nghiệm còn hạn chế, nên mô hình chưa được tự động hóa ở mức cao nhất, mà vẫn còn phụ thuộc vào con người. Hơn nữa, các thông tin được mã hóa QRcode mới có một ngôn ngữ là tiếng Việt. Trong thời gian tới, nhóm tiếp tục hoàn thiện mô hình ở mức cao hơn với thuyết minh mô hình và mã QRcode thêm nhiều ngôn ngữ mới cũng như xây dựng video về trận “Điện Biên Phủ trên không”, qua đó, sẽ tăng tính phổ biến và dễ dàng tiếp cận hơn nữa với người sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên niềm tự hào dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.