(HNM) - Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt đã trồng được 100.000 cây thông đỏ Taxus wallichiana Zucc. có chứa hoạt chất taxol và taxote với hàm lượng cao để làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh ung thư.
Theo các nhà khoa học, cây thông đỏ được trồng tại Tà Nung và Cam Ly (TP Đà Lạt) với chế độ chăm sóc phân bón và nước tưới đầy đủ cho hàm lượng hoạt chất taxol và 10-DAB (Deacetyl Baccatyl III) cao gấp 2-4 lần so với cây thông đỏ ngoài tự nhiên. Trung tâm cũng chọn lọc được 4 dòng thông đỏ có hàm lượng taxol cao và 3 dòng có hàm lượng 10-DAB cao để khảo nghiệm và sản xuất giống thông đỏ. Ngoài ra, trung tâm này cũng đã xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu lá thông đỏ dùng để chiết xuất các hoạt chất này.
Theo thống kê của các chuyên gia, hiện trên tỉnh Lâm Đồng chỉ còn khoảng 300 cây thông đỏ tự nhiên. Loài thông này cũng được tìm thấy rải rác ở rừng nguyên sinh Hoàng Liên (Lai Châu), Pà Cò (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Thài Phìn Tủng (Hà Giang), Mường Lượm (Sơn La)... nhưng với số lượng ít. Thông đỏ được ghi nhận có mặt ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Mianma, Nêpan, Ápganixtan, Philíppin, Inđônêxia và Việt Nam). Tuy nhiên, rất ít quốc gia có thông đỏ chứa hoạt chất chữa bệnh ung thư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.