(HNM) - Nền kinh tế vừa đi qua nửa chặng đường kế hoạch năm 2016, qua đây thấy rõ một số vấn đề, tồn tại cần nhận diện nguyên nhân để tháo gỡ kịp thời, hướng tới những mục tiêu 6 tháng cuối năm. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê về vấn đề này.
- Xin ông cho biết diễn biến kinh tế vĩ mô và tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6 tháng đầu năm?
- Nhìn chung, kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2016 vẫn giữ được sự ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát duy trì ở mức thấp song có dấu hiệu tăng trở lại. Tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn mức tăng 6,32% của 6 tháng đầu năm 2015 và cao hơn 6 tháng đầu năm của các năm từ 2012-2014. Tổng phương tiện thanh toán tính đến thời điểm ngày 20-6, tăng 8,07% so với cuối năm 2015; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,23%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,2%; mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Thanh khoản đồng tiền Việt Nam được bảo đảm.
Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng |
Tuy vậy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18% và là lần đầu tiên sau nhiều năm có mức tăng trưởng âm. Trên thực tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản đã nhiều năm là khu vực tăng trưởng, giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khủng hoảng 1997-1999 và 2012-2014.
Một điểm đáng chú ý khác là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, trong đó ngành công nghiệp tăng 6,82% so với cùng kỳ 2015 và là mức tăng thấp. Nguyên nhân chủ yếu do công nghiệp khai thác giảm; sản lượng khai thác dầu thô 6 tháng đầu năm khoảng 7,88 triệu tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2015; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, nhưng cũng thấp so với cùng kỳ 2015.
Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012; trong đó bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,1%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,30%. Kinh doanh bất động sản tăng 3,77%, là mức cao nhất kể từ năm 2011.
- Chính phủ quyết tâm giữ mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm. Vậy, dự báo nền kinh tế có thể đạt mục tiêu đó không?
- Mục tiêu tăng trưởng năm 2016 là 6,7%. Để đạt được mục tiêu trên, trong 6 tháng cuối năm 2016 GDP phải tăng khoảng 7,6%. Đây là mức tăng trưởng cao, khó đạt được, nhất là xét trong bối cảnh thời gian không còn nhiều và nền kinh tế vẫn phải đối mặt với khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường.
- Cần có những giải pháp gì để đạt mục tiêu, thưa ông?
- Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương khẩn trương khắc phục khó khăn, kéo lại mức tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản; thực hiện nghiêm các giải pháp, chính sách hỗ trợ vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn... đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đối với sản xuất công nghiệp, làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng trưởng thấp đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; từ đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến từ nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản. Những lĩnh vực tăng trưởng cao như tài chính, ngân hàng, viễn thông, du lịch... sẽ phải phát triển các lợi thế đang có.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, FDI, ODA, sẽ có thêm giải pháp thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cơ sở hạ tầng dưới các hình thức hợp tác công tư. Hiện Chính phủ đang thực hiện nguyên tắc Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp (DN) làm mục tiêu, đối tác phục vụ; đang hoàn thiện môi trường pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh... để DN đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Sau cùng là tập trung thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.
- Xin ông giải thích về việc áp dụng mốc so sánh và công bố chỉ số giá (CPI)?
- Chỉ số CPI của Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới, được tính toán và công bố hằng tháng theo các gốc so sánh với: Năm gốc cố định; cùng tháng năm trước; tháng 12 năm trước; tháng trước; bình quân cùng kỳ năm trước. Mỗi gốc so sánh trong biên soạn chỉ số CPI phản ánh sự biến động giá tiêu dùng theo các góc độ khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng số liệu với các mục đích khác nhau.
Cách sử dụng CPI tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước làm thước đo lạm phát như hiện nay, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế; vì đó là chỉ tiêu thời điểm nên không phản ảnh được hết diễn biến và tình hình biến động giá của năm lập báo cáo so với năm trước. Việc sử dụng số liệu CPI bình quân năm làm thước đo lạm phát chung của nền kinh tế là phù hợp về niên độ thời gian đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác; bảo đảm việc phản ánh đầy đủ những biến động về mức giá chung cả 12 tháng để loại trừ những yếu tố mang tính thời vụ, đột xuất và đo lường chính xác sự biến động mức giá chung của nền kinh tế. Đồng thời, sử dụng CPI bình quân năm làm thước đo lạm phát cũng bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
- Vậy sẽ có thay đổi cách tính CPI, thưa ông?
- Theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, cứ 4-5 năm Tổng cục Thống kê rà soát phương pháp tính CPI, thay đổi năm gốc, trước đây ở thời điểm năm 2000, 2005, 2009 và bây giờ là 2014. Qua mỗi lần rà soát, Tổng cục Thống kê đều đề nghị sử dụng số liệu CPI bình quân của năm để làm thước đo lạm phát thay vì số liệu CPI tháng 12 năm hiện hành so với tháng 12 năm trước, nhưng chưa được Quốc hội và Chính phủ chấp thuận. Tổng cục Thống kê đang tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét sử dụng số liệu CPI bình quân năm làm thước đo lạm phát cho nền kinh tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.