Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện thuận lợi, thách thức để có quyết sách đúng đắn

Luật sư Lê Đức Tiết| 22/12/2015 06:24

(HNM) - Theo tôi, thuận lợi lớn nhất là chính sách của Đảng đã làm cho nhân dân đoàn kết, nước Việt Nam ổn định. Đây là thành công đã được cả thế giới công nhận. Kết quả này khẳng định, chính sách đối nội của Đảng có nhiều sáng tạo, được nhân dân tin tưởng.

Thứ hai, nền kinh tế phát triển đã củng cố niềm tin của người dân. Người dân giờ đi chợ không cảm thấy mình bị mất cắp. Trước đây, vì tiền mất giá, hàng hóa đắt đỏ, giờ lạm phát giảm, giá trị đồng tiền ổn định. Người tiêu dùng không phải phập phồng lo sợ hàng hóa lên giá vùn vụt. Đây là yếu tố thiết thực, củng cố lòng tin của người dân. Tuy chưa được như các nước phát triển, nhưng trong các gia đình đã có đầy đủ các thiết bị như ti vi, tủ lạnh, phương tiện đi lại, quần áo đẹp, cuộc sống sung túc hơn.

Thứ ba, chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước rất thành công. Đảng ta chủ trương làm bạn với tất cả các nước. Qua kinh nghiệm nhiều chục năm làm việc, nghiên cứu, tôi thấy ba thuận lợi to lớn như vậy.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có không ít thách thức. Thứ nhất, chính là tệ tham nhũng, lãng phí đang làm cho đất nước nghèo đi. Cố gắng bao nhiêu cũng như cái thùng không đáy, một người ra sức làm, của cải bỏ vào thùng không đáy lại cứ mất đi. Tôi thấy vấn đề chống lãng phí vẫn còn nhiều biện pháp rất khả thi nhưng chưa được áp dụng. Việc chống tham nhũng đã được đặt ra nhưng kết quả chưa như mong đợi. Lênin từng nói, tham nhũng mà xử án treo là sự nhạo báng công lý. Không có nước nào xử án treo cho tội tham nhũng. Đặc biệt, việc lãng phí chưa được nhận diện, đánh giá đầy đủ, nhất là lãng phí về đất đai, tài nguyên, ngân sách... Tôi đi nhiều, dự nhiều kỳ cuộc, người nước ngoài bảo rằng, người Việt Nam lấy rất nhiều thức ăn nhưng ăn ít, còn lại bỏ đi. Ở các nước họ tiết kiệm lắm. Mình hoang phí là cái nguy hại nhất. Dân Việt Nam uống rượu, bia nhiều hơn dân nước khác. Các bạn rất ngạc nhiên rằng, sao người Việt Nam cứ sáng, trưa, tối đều uống rượu, có những chai rượu lên tới tiền triệu. Các bạn nước ngoài phải đến dịp lễ tết đặc biệt mới uống rượu, còn mình sẵn sàng đãi bạn bè bất cứ lúc nào. Đây chính là nguy cơ, làm được ít mà tham nhũng, lãng phí nhiều.

Thứ hai là tụt hậu. Mình cứ kêu gọi CNH, HĐH, nhưng sáng tạo của mình ít quá. Muốn đẩy mạnh CNH, HĐH, mình phải đi mua máy móc của người ta về, nhưng lại mua phải thứ người ta thải loại, bỏ đi, năng suất thấp, tiêu phí nhiều năng lượng, xả nhiều khí thải độc hại cho môi trường. Đó là tụt hậu. Mình không thiếu tiến sĩ, giáo sư, nhưng số phát minh được đưa vào ứng dụng đếm được bao nhiêu.

Thứ ba là nguy cơ biến đổi khí hậu. Chúng ta cần xem lại đường lối chính sách về quy hoạch đất đai, sử dụng năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm sao ngăn chặn lâm tặc phá rừng, than tặc phá núi. Mong rằng trong Đại hội XII, Đảng có chính sách phát huy thuận lợi; đẩy mạnh cải cách tư pháp. Ta phải mạnh dạn hơn, truy tố những người làm bậy. Cần có chính sách phát huy ba thế mạnh, khắc phục những bất lợi của mình. Bên cạnh đó, theo tôi, các lãnh đạo chủ chốt khi ứng cử phải nêu rõ chương trình hành động; hằng năm phải có thông cáo rõ là làm được và không làm được những gì. Đó chính là cách chọn người tài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện thuận lợi, thách thức để có quyết sách đúng đắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.