(HNMCT) - UBND thành phố Hà Nội đã công bố dự thảo Quy chế quản lý hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Những ngày qua, nội dung quy định được nêu trong dự thảo nhanh chóng thu hút sự quan tâm, ủng hộ, góp ý của cộng đồng, các cơ quan truyền thông, bởi đó là việc làm thiết thực của thành phố Hà Nội trong dịp Thủ đô tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Không nghi ngờ gì về điều đó, bởi khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô - trái tim của cả nước, những quy định được đưa ra, đặc biệt là nội dung liên quan tới văn hóa ứng xử, nhằm biến nơi đây thành không gian văn hóa mẫu mực của Thủ đô và cả nước, “lẵng hoa giữa lòng Hà Nội”, điểm nhấn văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến, để ai đặt chân tới cũng phải hài lòng, muốn được quay trở lại.
Trong lời góp ý với nội dung dự thảo - gồm 4 chương, 24 điều liên quan tới trách nhiệm quản lý và cơ chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị; quy định về hành vi, cách ứng xử có văn hóa của tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (gọi tắt là không gian đi bộ)..., điều nhận được sự quan tâm lớn nhất là làm sao để các nội dung quy định khi được chính thức ban hành không mang tính hình thức mà đi vào đời sống một cách hiệu quả.
Trong những giải pháp được nêu ra hướng tới mục tiêu biến không gian đi bộ thành không gian văn hóa mang tính biểu tượng, có hai vấn đề liên quan tới văn hóa ứng xử cần được đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất, xác định cách hiểu mang tính nhất quán về trang phục, hành vi, lời nói, cách ứng xử không được phép phô bày tại không gian đi bộ. Tức là cần xây dựng bộ nhận diện hành vi, cách ứng xử một cách cụ thể, phù hợp với không gian đi bộ nhưng không mâu thuẫn với nội dung quy tắc ứng xử ở nơi công cộng mà Thành phố đã ban hành trước đây, từ đó tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý hành vi, cách ứng xử gây hại cho môi trường tự nhiên và xã hội. Sự cụ thể còn giúp người dân và du khách hiểu rõ hơn về những gì không nên làm ở không gian đi bộ.
Thứ hai, trên cơ sở nhận diện rõ về hành vi, cách ứng xử được khuyến khích hoặc không được phép, chúng ta đề ra chế tài phù hợp nhằm xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Các biện pháp chế tài cần thể hiện tính răn đe; hướng tới mục tiêu giáo dục, thuyết phục cá nhân, tổ chức thay đổi hành vi theo hướng tích cực, từ đó lan tỏa ý thức tự giác thực hành ứng xử theo chuẩn mực và thúc đẩy trách nhiệm chung tay xây dựng không gian văn hóa Thủ đô... Hình thành quy định cụ thể, tiến hành tuyên truyền, giáo dục và kiên quyết xử lý vi phạm, đó là đồng thời kết hợp giữa “xây” và “chống” để tạo hiệu quả.
Những năm gần đây, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, phong trào hoạt động thiết thực hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trong đó có việc xây dựng môi trường văn hóa, chấn chỉnh hành vi, lối sống, ứng xử lệch lạc... Hiệu quả đã rõ mặt tích cực, nhưng việc triển khai nhiều lúc, nhiều nơi vẫn còn đôi điều chưa được như ý: Nạn hái hoa, bẻ cành, hủy hoại cây xanh; nói tục, chửi bậy; xả rác không đúng nơi quy định vẫn dễ thấy; văn hóa giao thông dù đã có bước chuyển lớn nhưng vẫn xảy ra không ít chuyện nhức nhối; hiện tượng dắt, thả vật nuôi không tuân thủ quy định vẫn tái diễn đây đó... Đáng nói là những điều phản cảm vẫn diễn ra ở nơi công cộng, trong đó có không gian đi bộ dù không thiếu quy định. Nói một cách khác, đó là một số điều luật, quy định chưa đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, một phần do giải pháp "xây" và "chống" chưa được thực hiện một cách nhuần nhuyễn.
Từ thực tế các mặt công tác, các lĩnh vực liên quan tới quy định về quản lý hoạt động trong không gian đi bộ đang được xây dựng, có thể khẳng định rằng, để phát huy hiệu quả trong thực tiễn thì nhất thiết những quy định đó phải cụ thể, dễ hiểu, dễ vận dụng, tạo cơ sở thuận lợi cho việc tiến hành các biện pháp chế tài nhằm duy trì kỷ cương, hạn chế hành vi, biểu hiện lệch chuẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.