Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện một vài mánh khóe trong giao dịch chứng khoán

TRONGQUANG| 15/03/2007 23:03

Một chuyên gia của sàn chứng khoán Một chuyên gia chứng khoán của SSI (Cty chứng khoán Sài Gòn) đã phải thốt lên, sao giờ người ta

Một số ngân hàng chưa thành lập nhưng được rao bán cổ phiếu như VT, TN... hoặc có ngân hàng nhưng chưa có cổ phiếu như SB... cũng được rao bán cổ phiếu. Và lạ thay, người ta vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng để mua những mẩu giấy không có giá trị pháp lý, những tin đồn, những phán đoán... Sự thiếu hiểu biết và ham muốn làm giàu đã kích thích dòng người lao vào sự điên cuồng hiếm có.

Sự điên cuồng ở "chợ đen" OTC

Một phần của OTC là nói đến thế giới của tin đồn. Còn những "cò chứng khoán" được ví như những cái loa thu phát cực kỳ nhạy. Hễ "bắt" được một thông tin dù là chính thức hay chỉ là vỉa hè, những cái "mỏ vịt" này nhanh chóng chớp lấy và biến nó thành những vũ khí cho mục tiêu của họ. Cty A chuẩn bị được một ngân hàng danh tiếng của nước ngoài mua. HĐQT của Cty B đang đánh nhau, Cty C nợ ngân hàng hàng trăm tỉ... Thế là, giá cổ phiếu tăng sụt theo những tin đồn đó. Những trang web cũng được "cò" sử dụng để đưa ra những giá mua cao vót nhằm kích giá lên hoặc rao bán giá cực thấp để dìm giá xuống. Nhiều đại gia muốn gom cổ phiếu thì tung tin để kéo cho cổ phiếu giảm giá, khi muốn bán ra thì lại kích để cổ phiếu tăng cao.

Một trong những lợi ích lớn nhất của người chơi cổ phiếu là mua được cổ phiếu phát hành tăng vốn. Nhiều loại cổ phiếu giá giao dịch trên OTC cao gấp hàng chục lần mệnh giá gốc. Trước khi phát hành cổ phiếu, tăng vốn. Cty đã chốt danh sách cổ phiếu cổ đông. Với những nhà đầu tư mới, khi mua cổ phiếu trong giai đoạn giao thoa hoặc khi danh sách cổ đông đã được chốt; nếu không biết, tiền đã thanh toán cho người chuyển nhượng, mặc dù đã nắm cổ phiếu trong tay nhưng chưa làm xong thủ tục nên mất quyền mua. Quyền mua cổ phiếu mới vẫn thuộc về người chuyển nhượng đã bán hết cổ phiếu theo giá trị thời điểm đó.

Do đó, các nhà đầu tư mới cần chú ý phải có hợp đồng chuyển nhượng ghi rõ quyền mua cổ phiếu mới tăng vốn thuộc về ai. Đây là loại rủi ro lớn trên thị trường OTC. Khi mua cổ phiếu, người được chuyển nhượng không nắm bắt được thông tin, không thỏa thuận rõ trong hợp đồng chuyển nhượng nên không nhận được cổ tức. Có trường hợp, nhà đầu tư bị chiếm đoạt quyền lợi bằng cách bị lừa mua phải loại cổ phiếu sau thời gian 1 năm mới được chuyển nhượng. Trong thời gian đó, các quyền lợi về quyền mua cổ phiếu tăng vốn, chia cổ tức vẫn thuộc về người đứng tên sở hữu cổ phiếu, người mua bị mất quyền lợi...

Và những mánh lới trên sàn giao dịch

Những người mới chơi chứng khoán thường thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Những người mới tham gia vào những giao dịch trên thị trường chứng khoán, thường bị đánh lừa bởi những mánh giao dịch của các cao thủ và vô tình bị họ điều khiển hoạt động mua bán.

Với quy trình khớp lệnh định kỳ, lệnh nhập phải thông qua công đoạn thủ công tại sàn và trình tự ưu tiên khớp lệnh theo thời gian. Một nhà đầu tư có ý định gây ra một làn sóng cầu ảo sẽ đặt lệnh sát giờ khớp lệnh, đủ để lệnh được vào hệ thống nhưng không được khớp. Và thế là, khối lượng cổ phiếu này sẽ trở thành dư mua nhưng không phản ánh đúng nhu cầu thị trường.

Nhà đầu tư "gà mờ" thì sẽ xét đoán theo kiểu, rõ ràng còn hàng trăm ngàn cổ phiếu dư mua thì có nghĩa cầu đang rất lớn, giá sẽ tiếp tục tăng. Động tác này đặc biệt được sử dụng hiệu quả trong thời điểm lượng bán quá ít và giá liên tục được khớp ở mức trần. Kỹ thuật tung hỏa mù trên bảng giao dịch đã không còn là mới với dân chơi thường xuyên có mặt trên sàn. Nhưng với những người mới, đây vẫn là một thủ thuật để đánh lừa khá hiệu quả.

Ngoài ra, một số dân chuyên nghiệp lắm tiền còn lợi dụng giới hạn hiển thị 3 cột giá chào mua, chào bán tốt nhất của bảng giao dịch để che đi mức giá khớp thật. Trong biên độ giao động giá 5% nhà đầu tư có thể đặt tại nhiều mức giá khác nhau nhưng trên bảng điện tử chỉ đủ chỗ để hiện 3 giá bán thấp nhất và 3 giá mua cao nhất. Người ta chỉ cần vài lệnh đặt bán thật thấp và vài lệnh đặt mua thật cao với khối lượng 10 cổ phiếu là đã chiếm hết chỗ, giá khớp sẽ không thể hiện màn hình. Các mánh giao dịch này đang được áp dụng phổ biến do những hạn chế của phương thức khớp lệnh định kỳ. Khi áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục, các mánh này sẽ không còn chỗ đứng. Trước mắt, các nhà đầu tư chỉ có thể hạn chế mánh này bằng việc chú ý tới mức giá khớp dự kiến, phải có lượng lệnh tương đối lớn đã vào hệ thống rồi mới đặt lệnh.

Hiện tượng giao dịch nội giám vẫn tiếp tục đang là vấn đề lớn không chỉ ở VN mà các thị trường chứng khoán nổi tiếng của thế giới cũng đang khó ngặn chặn hiện tượng này. Tình trạng rò rỉ thông tin dẫn đến đầu cơ cổ phiếu đang được giới chơi chuyên nghiệp lắm tiền áp dụng triệt để tuy mới ở mức độ hẹp. Hiện nay, các Cty niêm yết chứng khoán phải chuyển thông tin của mình đến TTGDCK để công bố.

Khoảng thời gian từ lúc thông tin gửi về cho đến lúc được niêm yết cổ phiếu kéo dài đến vài ngày. Với khoảng thời gian ấy, những người nắm được thông tin có thể đặt những lệnh mua, bán cổ phiếu để kiếm lời. Với đầu tư chứng khoán thông tin là yếu tố ăn thua. Những người nắm được thông tin đấu giá cổ phiếu của các Cty như tổng số lượng cổ phiếu, bao nhiêu tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá... sẽ tính được tương đối mức giá bỏ thầu...

Ngoài ra, còn rất nhiều kỹ xảo trên sàn theo kiểu bán cổ phiếu giá sàn để tạo tâm lý hoảng loạn. Ví dụ, một đại gia muốn mua cổ phiếu giá rẻ đã bán ào ạt với giá sàn ở một tài khoản. Nhiều người non gan, thấy đó là một "đại gia", nghĩa là họ có thông tin độc nào đó nên phải vội bán nên thi nhau bán tống bán tháo theo. Đại gia đó dùng tài khoản khác để mua lại cổ phiếu của mình với giá rẻ hơn. Và cũng tương tự như vậy, khi muốn bán, đại gia chỉ cần làm động tác mua ào một lúc giá trần cổ phiếu đó. Nhiều người đặt mua theo, khi đó, đại gia dùng tài khoản khác bán dần cổ phiếu đó ở giá thấp, số lượng tất nhiên phải lớn hơn số lượng mua vào ở tài khoản trước.

Rồi còn chiêu bán chặn giá trên, mua chặn giá dưới. Muốn mua rẻ, đại gia bán ra số lượng rất lớn ngày từ đầu giờ, ở tài khoản mua, đại gia chỉ đặt số lượng vừa phải với giá dưới giá tham chiếu (giá hôm trước). Những người muốn bán phải bán dưới giá tham chiếu và mắc vào mưu của đại gia. Tương tự, muốn mua chặn giá dưới, đầu giờ của ngày giao dịch, đại gia đặt mua số lượng lớn ở giá tham chiếu và đặt bán một lượng nhỏ ở giá cao hơn giá tham chiếu. Khi nhiều người đặt mua giá cao, đại gia đã thành công trong mẹo của mình.

Thị trường chứng khoán càng phát triển, các mánh lới sẽ xuất hiện nhiều, chi tiết hơn, kỹ xảo hơn. Cùng với những chính sách, những quy định theo kiểu vừa làm vừa chỉnh sửa, sẽ có nhiều kiểu lách luật tinh vi. Tuy nhiên, với những người mới tham gia vào sân chơi này, để tránh những bài học đắt giá, hãy tự nâng cao hiểu biết và kiến thức.

Theo Gia đình - Xã hội

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Nhận diện một vài mánh khóe trong giao dịch chứng khoán

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.