Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện ''lợi ích nhóm'', ''nhóm lợi ích'' và biện pháp phòng, chống

Theo Trung tướng NGUYỄN NGỌC TƯƠNG /Báo Quân đội nhân dân| 02/07/2020 10:13

Mặt trái của “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” đã và đang tạo nên những hệ lụy, hậu quả nặng nề cản trở sự phát triển đất nước, là vấn đề được đề cập nhiều trong các văn kiện của Đảng và được dư luận xã hội quan tâm, lên án những năm gần đây.

Ảnh minh họa: thanhtra.com.vn.

Quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta chủ trương: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…; bản thân hoặc vợ, chồng, con vi phạm chính sách, pháp luật”. Việc nhận diện “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” để có những biện pháp phòng, chống tác hại của nó trở nên cấp thiết và là đòi hỏi khách quan.

Theo nguyên nghĩa, "lợi ích nhóm" là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó. Xét về mục đích và tính chất, "lợi ích nhóm" có thể phân chia thành hai loại: "Lợi ích nhóm" tích cực và "lợi ích nhóm" tiêu cực. "Lợi ích nhóm" theo hướng tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhóm người.

Trong xã hội tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khác nhau, việc hình thành lợi ích nhóm là một nhu cầu khách quan, tự nhiên, tạo động lực thúc đẩy hoạt động. "Lợi ích nhóm" tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp, phù hợp, không mâu thuẫn với lợi ích của dân tộc, quốc gia, hướng tới và hài hòa với lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc và quốc gia. "Lợi ích nhóm" theo hướng tiêu cực là lợi ích cục bộ của những đơn vị, địa phương, của những nhóm người, xung đột, mâu thuẫn và gây thiệt hại lợi ích chung của nhân dân, của xã hội và quốc gia, dân tộc, cản trở quá trình phát triển kinh tế, xã hội, làm suy giảm hiệu quả quản lý nhà nước...

"Lợi ích nhóm" tiêu cực, lúc đầu là lợi ích cục bộ của đơn vị, địa phương không được kiểm soát, ngăn chặn phát triển thành "lợi ích nhóm" tiêu cực của những nhóm ít hơn, cấu kết với nhau để cùng hưởng lợi ích bất chính. Sự cấu kết của một bộ phận cán bộ, công chức có chức, có quyền, thoái hóa, biến chất với các đơn vị kinh tế, các thành phần ngoài xã hội hỗ trợ nhau nhằm trục lợi, thu vén lợi ích cá nhân.

"Lợi ích nhóm" tiêu cực luôn gắn với hành vi tham nhũng của những người có chức, có quyền; nghĩa là gắn với quyền lực nhà nước tạo nên "nhóm lợi ích" tiêu cực ở cấp độ cao hơn, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, chi phối các cá nhân có thẩm quyền, ảnh hưởng đến cả các chủ trương, chính sách, quyết định của chính quyền, vì thế tính chất nguy hiểm đối với xã hội càng cao hơn. Sự cấu kết, lôi kéo những người có chức, có quyền bằng vật chất ngày càng chặt chẽ, khép kín, đủ sức lũng đoạn từ tập thể nhỏ đến tập thể lớn, từ kinh tế đến chính trị. Lợi dụng chính sách, pháp luật, nhân danh lợi ích xã hội, quy định của pháp luật để trục lợi. Dưới danh nghĩa lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia để giành giật, chiếm đoạt lợi ích vật chất, danh tiếng, quyền lực cho bản thân và gia đình mà không thèm đếm xỉa đến lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc… Nó được tổ chức chặt chẽ, thủ tục hợp pháp, rất khó phát hiện.

"Nhóm lợi ích" là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách sử dụng các hình thức tuyên truyền vận động để tác động đến dư luận, hoặc chính sách của chính phủ. Khi xét về mục đích và tính chất, đều có thể phân chia chúng thành “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tích cực, hợp pháp, hoặc “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực, bất hợp pháp. “Lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tích cực luôn là lợi ích chính đáng, hợp pháp, nên chính là bộ phận của lợi ích xã hội, dân tộc và quốc gia. Còn “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực, thì cần phải đấu tranh, ngăn chặn.

“Lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực mà Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đang quan tâm, lên án chính là trở lực lớn trong quá trình thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, làm méo mó chính sách, ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và xã hội. “Lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực cũng đang làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên và làm đảo lộn những chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội. Hiện tượng đó gây bất bình trong quần chúng nhân dân, tạo cơ hội để các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta.

Nếu không nhận diện và có những biện pháp phòng, chống kịp thời, “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực sẽ trở thành nguy cơ gây mất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã sớm nhận rõ mặt tích cực và tiêu cực, nêu cao quyết tâm chính trị trong khuyến khích mặt tích cực, đấu tranh chống tiêu cực trong "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" ở Việt Nam. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán phải “chặt đứt nhóm lợi ích thao túng hưởng lợi trên tài sản công quốc gia”(*); “không có vùng cấm”, phải luôn kiên quyết, kiên trì tiến hành từng bước, làm một cách bài bản, khoa học, không nóng vội, chủ quan.

Hiện nay, "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" tiêu cực hiện diện ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nó được biểu hiện dưới các dạng như: Tạo quan hệ với cấp trên, cơ quan có thẩm quyền, hối lộ dưới mọi hình thức để giành được kinh phí, đề tài, dự án... có lợi cho đơn vị, địa phương và cho chính mình.

Trong thực tế đã có nhiều nhà thầu, doanh nghiệp tạo quan hệ, móc nối với cơ quan, người có thẩm quyền, hứa hẹn chiết khấu phần trăm "hoa hồng" cao cho chủ đầu tư để tranh giành các dự án béo bở trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhằm mục đích kiếm lợi, hưởng "hoa hồng" mà không tính đến hiệu quả đầu tư, lợi ích của nhân dân.

Trong lĩnh vực bố trí cán bộ thì họ liên kết, móc ngoặc với nhau để người "cầu" thì được bố trí vào các chức vụ mong muốn cho bản thân, hoặc cho người thân trong gia đình, còn người "cung" (có quyền) thì được hưởng lợi từ các quyết định bất minh đó. Những người bị lôi kéo, móc nối hình thành "nhóm lợi ích" thường là những người có chức, có quyền, thoái hóa, biến chất, thu vén cá nhân, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân và gia đình mình. Cùng nằm trong nhóm này là một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất thuộc các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra... khiến cho "nhóm lợi ích" càng có vỏ bọc dày, khó bị phát hiện...

Thực trạng trên đòi hỏi cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong "lợi ích nhóm" và "nhóm lợi ích" phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở và mỗi người dân, đồng thời khắc phục ngay những sơ hở, lỗ hổng về cơ chế, chính sách trong quản lý, điều hành trong đấu tranh, xử lý tiêu cực của "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" hiện nay.

Muốn tạo ra hiệu quả trong phòng, chống “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực, chúng tôi cho rằng các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân cần thực hiện đồng bộ những biện pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về cuộc đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nhận thức đúng đắn yêu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh phòng, chống "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" tiêu cực. Cần phải thấy rõ việc tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta. Cần tích cực phát hiện, nhận diện những đặc điểm, biểu hiện và thấy rõ những tác hại của “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực ở nước ta hiện nay, đồng thời phải phân biệt rõ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" ở Việt Nam, để từ đó nâng cao trách nhiệm, củng cố quyết tâm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, xây dựng và thực hiện những biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực.

Hai là, tích cực nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói riêng, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, kinh tế, tài chính, ngân hàng, về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sửa đổi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy gọn nhẹ, bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính trong các cơ quan, đơn vị. Sớm xây dựng và ban hành khung danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tiếp tục đổi mới chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, đồng thời có quy định về kiểm soát, giám sát thu nhập của cán bộ, công chức. Hoàn thiện tổ chức và triển khai hoạt động có hiệu quả của cơ quan nội chính và phòng, chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương, cơ quan, đơn vị. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở ngay tại cơ quan, đơn vị mình. Triển khai thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức và cơ quan công quyền.

Ba là, tập trung chỉ đạo, làm tốt và làm thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong một số lĩnh vực trọng điểm như quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý tài chính trong doanh nghiệp nhà nước; thu, chi ngân sách nhà nước; quản lý tài sản công; công tác quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Coi trọng công tác kiểm tra, thanh tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực trong chính các cơ quan kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, tích cực giám sát, phát hiện, triệt tiêu các biểu hiện móc nối, hình thành "nhóm lợi ích" giữa các đối tượng phải thanh tra, kiểm tra với một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, từ đó mới có thể chống được hiện tượng che chắn khuyết điểm, làm nhẹ tội, chạy tội của các đối tượng này.

Bốn là, xử lý nghiêm, kịp thời, công khai những vụ việc đã được phát hiện; cần phải có biện pháp kiên quyết, nghiêm minh đối với những người dính líu vào tiêu cực “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, bất kể ở chức vụ nào, thời điểm nào. Những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nơi xảy ra tiêu cực “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” phải chịu trách nhiệm liên đới và cần được xử lý thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật. Cần phải luật hóa để tiến tới kiên quyết tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; xử lý nghiêm những người bao che tham nhũng, hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác. 

Năm là, cần phải gắn đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực, với công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu từ trong Đảng, xây dựng hình ảnh mẫu mực về Đảng cầm quyền. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành quy định, chính sách để khuyến khích các cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biểu dương và nhân rộng những tấm gương, điển hình về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Nhận diện rõ “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” chính là cơ sở để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực trong xã hội hiện nay. Đó không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội mà còn là trách nhiệm của các tầng lớp nhân nhân nhằm xóa bỏ lực cản lớn trong xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

---------------------------

(*)  Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị "Tổng kết công tác tài chính-ngân sách năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018” (http://baochinhphu.vn), ngày 8-1-2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện ''lợi ích nhóm'', ''nhóm lợi ích'' và biện pháp phòng, chống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.