Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ sự nguy hại của lãng phí đối với đất nước: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Hiện nay, khi chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc nhận diện rõ hơn, từ đó thống nhất ý chí và hành động để đẩy lùi lãng phí có ý nghĩa sống còn.
1. Lãng phí được hiểu đơn giản là việc “làm tốn kém, hao tổn một cách vô ích”. Theo Điều 3, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013: Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.
Không khó để nhận diện lãng phí, bởi nó hiện hữu ngay xung quanh chúng ta, có thể ở ngay trong mỗi con người. Đó là chi cho những việc không đáng chi và chi ở những mức không đáng chi; là việc sử dụng không hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực của quốc gia, cơ quan, đơn vị và của từng gia đình hay từng cá nhân… Dễ nhìn ra nhất là những dự án “treo”, quy hoạch “treo”… Thậm chí, lãng phí xuất hiện ngay trong tư duy của mỗi con người thông qua các biểu hiện lệch lạc như thói xa hoa, phô trương hình thức, vung tay qua trán, sống hôm nay không biết ngày mai.
Vì mức độ phổ biến, dễ mắc mà lãng phí được xem là nguy hại như “căn bệnh” tham nhũng, thậm chí còn nguy hiểm hơn tham nhũng. Bởi ở một góc độ nhất định, tài sản tham nhũng có thể thu hồi được nhưng lãng phí làm thất thoát, mất mát tiền của, thời gian… mà không có khả năng thu hồi. Do đó, có thể nói rằng, tình trạng lãng phí nếu không được ngăn chặn, tác hại của nó còn hơn tham nhũng.
Theo Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ tư về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, trên cả nước có hàng nghìn dự án chậm tiến độ. Tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” khá phổ biến; chỉ tính riêng 7/15 địa phương đoàn giám sát làm việc đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai phải hủy bỏ… Còn đến thời điểm hiện tại, riêng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có hơn 11.000 căn hộ, nền đất tái định cư đang bỏ trống, không có người ở.
Trong khi đó, tại Hà Nội, hàng loạt nhà liền kề, biệt thự xây xong rồi bỏ hoang, điển hình là ở huyện Hoài Đức, hay những biệt thự bỏ hoang nằm trên tuyến đường chính đi vào trụ sở UBND xã Yên Bài, huyện Ba Vì...
Chưa kể, tại kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố Hà Nội (tháng 7-2024), cũng nêu rõ: Mặc dù đã được HĐND thành phố chất vấn, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhưng dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Châu Can tại huyện Phú Xuyên và Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong tại huyện Chương Mỹ sau nhiều năm được phê duyệt hiện vẫn chưa triển khai… Sau 7 năm công bố quy hoạch, công viên Chu Văn An tại huyện Thanh Trì vẫn chỉ là một bãi cỏ rộng lớn...
2. Xác định lãng phí là "giặc nội xâm”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Dù đã có những chuyển biến tích cực, song lãng phí vẫn đang là vấn đề nhức nhối, làm giảm niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, cản trở sự phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh đó, bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thu hút sự quan tâm đặc biệt và đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Nhận diện rõ và xác định đây là cuộc chiến chống "giặc nội xâm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm truyền đi thông điệp: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu”.
Cũng như chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí là xu thế không thể đảo ngược; là quyết tâm, mệnh lệnh chính trị mà toàn Đảng, toàn dân cần phải thực hiện. Vì vậy, rất cần thiết có quy định để nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó là tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thấy được những việc làm, hành vi gây lãng phí cho
bản thân, gia đình, đơn vị, địa phương, xã hội và đất nước. Từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm gương cho cấp dưới, xây dựng được phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, đơn vị, địa phương và lan tỏa ra cộng đồng sẽ hình thành văn hóa ứng xử, sự tự nguyện, tự giác thực hiện trong mỗi người.
Lãng phí không phải là căn bệnh của riêng ai, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bệnh quan liêu, bên cạnh đó là sự yếu kém của đội ngũ cán bộ, bệnh phô trương hình thức, thái độ thiếu tinh thần bảo vệ của công… Vì vậy, cần xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; hình thành “lồng cơ chế” để cán bộ không được phép lãng phí.
"Giặc nội xâm" lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển của đất nước. Nhận diện rõ “kẻ thù” này, chúng ta cùng quyết tâm hành động: Chống lãng phí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.