Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sĩ Dương Thụ: Giống như một sự trở về

Tuệ Diễm| 07/10/2012 05:10

Năm lần bảy lượt mới hẹn gặp được nhạc sĩ Dương Thụ vì thời gian này ông liên tục đi lại giữa TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để chuẩn bị cho chương trình


- Nhạc sĩ có thể chia sẻ ký ức của mình về Thủ đô? Ký ức đó ảnh hưởng như thế nào trong các sáng tác của ông?

- Đó là ký ức về một Hà Nội vỉa hè, nơi đã khiến tôi đánh mất những gì thuộc về truyền thống của gia đình mình, nhưng lại giúp tôi hiểu được cuộc sống thực, biết yêu quý người lao động, hiểu được những cái tốt đẹp và những giới hạn của họ. Đó cũng là ký ức về một Hà Nội của các bậc đàn anh trí thức và văn nghệ, nơi nuôi dưỡng cho tôi những giá trị tinh thần mà tôi có được ngày hôm nay. Ký ức ấy có thể không lãng mạn, không hào hùng, thậm chí có một chút bụi bặm, nhưng nó lại làm tôi thực sự rung động mỗi khi nhớ về.

Tôi xa Hà Nội lâu lắm rồi, mỗi khi trở về, việc đầu tiên là tìm đến một hàng nước vỉa hè, nhâm nhi chén trà nóng, rít một hơi thuốc lào cho say say một chút để rồi mơ màng nhả khói ngắm nghía cái pha trộn của thời cuộc ngay trong một con phố, để thấy một chút gì của ngày xưa, một chút gì của thời bao cấp, một chút gì của văn minh nửa mùa hôm nay, một chút gì của thôn quê, một chút gì của tỉnh lẻ và một chút gì đó của chốn kinh kỳ. Những thứ "một chút" này pha trộn lại thành một cái gì đó rất khó nói. Người ngoài, có người thấy thế là lộn xộn nên bực mình, khó chịu, cũng có người thấy hay hay, hấp dẫn mà bị lôi cuốn. Còn tôi, tôi nhìn thấy mình phần nào ở sự pha trộn này. Có lẽ vì thế dù Hà Nội có thế nào tôi vẫn yêu nó, vẫn thấy mình thuộc về nó. Âm nhạc của tôi không thoát ra được khỏi sự pha trộn đó.

- Cảm hứng nào giúp nhạc sĩ sáng tác bài "Mong về Hà Nội", "Tìm em 36 phố phường Hà Nội"?

- Tôi thuộc loại bị "cắt hộ khẩu" Hà Nội vĩnh viễn. Nhà thơ Hoàng Cầm trong bài "Bên kia sông Đuống" có câu: "Bao giờ trở lại dòng sông Đuống/ Ta lại tìm em". Có lần tôi đã nói với ông rằng "Anh chẳng bao giờ về được nơi anh đã ra đi". Còn bây giờ tôi nói với bạn rằng tôi cũng thế thôi.

"Tôi mong về Hà Nội/Để nghe gió sông Hồng thổi/Để thương áo len cài vội/Một chiều đông rét mướt/Những hạt mưa bụi rơi". Hà Nội bây giờ nhà cao tầng chen chúc kín mặt đê, làm sao mà nghe gió sông Hồng thổi được. Hà Nội bây giờ mặc đồ len dạ hàng hiệu, áo khoác, mũ, khăn, giày, tất trùm kín người, lấy đâu ra cô gái đi đường phải cài vội chiếc áo len mỏng vì rét quá được. Tôi không thể "về" được nơi tôi đã ra đi! Cũng vì thế tôi mới viết được bài "Tìm em" với một câu hát buồn: "Tìm em, tìm em 36 phố phường Hà Nội…/Em, em là gió bay đi".

- Trăn trở về những dự định âm nhạc để xây dựng nét văn hóa Hà Nội, nhạc sĩ làm giám đốc các chương trình ca nhạc lớn như "Điều còn mãi". Đâu là động lực thôi thúc ông làm được điều này?

- Tôi e rằng dùng từ "trăn trở" thì hơi to tát quá. Tôi làm vì tôi thích và vì tôi thấy bây giờ cũng có nhiều người thích như tôi. Việc tôi làm là một điều rất bình thường của một người làm âm nhạc. Tôi yêu âm nhạc Việt Nam và tôi yêu người Hà Nội, tôi muốn chia sẻ với họ cái tình yêu đó theo kiểu của tôi, một người thích nhạc nghiêm túc, đồng thời cũng có khả năng và điều kiện để làm việc đó.

- Sự gắn kết của nhạc sĩ với Thủ đô là như thế nào?

- Mặc dù khi làm CMND vẫn phải khai nguyên quán Hà Nội, nhưng thực ra tôi có ở Hà Nội nhiều đâu. Lang bạt đủ nơi, lâu nhất là TP Hồ Chí Minh, đến nay đã 35 năm rồi còn gì. Nhưng tôi vẫn không nói được tiếng Nam hay tiếng Bắc di cư, vẫn thích ăn phở, bún chả, bún dọc mùng, vẫn thích uống nước sấu, vẫn mong có dịp về la cà phố xá, chè chén vỉa hè để tán gẫu với bạn bè ngoài đó. Vẫn thích làm việc với các bạn trẻ Hà Nội vì tìm thấy ở họ vô số cái giống mình thời trẻ. Càng già, càng thấy Hà Nội gần lại, gần tới mức như là thấy mình vẫn chưa bị cắt "hộ khẩu" ngoài đó. Xuống máy bay không có cảm giác ra Hà Nội mà là "về Hà Nội". Vài năm gần đây tôi chuyển hướng hoạt động ra Hà Nội để được trở về nhiều hơn.

- Nhạc sĩ có thể chia sẻ rõ hơn về dự án "Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi" sắp diễn vào tháng 11?

- "Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi" cũng giống như một sự trở về. Năm 1993 tôi cũng làm chương trình tác giả đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội với anh Phú Quang. Quả thật lúc ấy tôi rất ngại, vì không biết liệu có ai ở ngoài này thích nhạc của mình. Anh Quang còn có bài "Em ơi, Hà Nội phố", tôi thì lưng vốn chẳng có gì. Sau ba đêm diễn tôi thấy cũng có người vỗ tay sau mỗi bài hát của mình, tuy không nhiều nhưng không phải vì lịch sự. Tôi cảm thấy ấm lòng. Chuyến trở về này giúp tôi biết rằng mình vẫn chưa bị trở nên xa lạ đối với nơi mình đã ra đi. Lần này những câu chuyện kể của tôi không tự kể, người kể lại những câu chuyện ấy là những nghệ sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Trọng Tấn. Các nhạc sĩ góp mặt như Bảo Chấn, Quốc Trung, Anh Quân và nhiều nghệ sĩ khác. Trong những câu chuyện ấy có bốn câu chuyện về Hà Nội: Mong về Hà Nội, Phố mùa đông, Trở về, Bay vào ngày xanh. Bốn bài viết tại bốn thời điểm khác nhau, nhưng tất cả đều "đầy ắp Hà Nội".

- Xin cám ơn nhạc sĩ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Dương Thụ: Giống như một sự trở về

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.