Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc kịch dành cho tuổi teen: Khó, nhưng thú vị

Trà Giang| 24/09/2022 19:57

(HNMCT) - Nhà hát Tuổi trẻ vừa cho ra mắt khán giả Thủ đô vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn”. Vở nhạc kịch là “món quà dành cho tuổi mới lớn” bởi số vở diễn dành cho lứa tuổi này vốn hiếm hoi và với riêng nhạc kịch, đây có lẽ là vở đầu tiên.

Cảnh trong vở “Rồi tôi sẽ lớn”.

“Giải mã” tuổi teen

Nội dung khá đơn giản, xoay quanh diễn biến tâm lý tuổi teen với những tình huống đời thường, vở diễn “Rồi tôi sẽ lớn” do nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú viết kịch bản, đạo diễn NSƯT Lê Ánh Tuyết dàn dựng mang “sứ mệnh” chinh phục khán giả trẻ và trở thành “cầu nối” giữa phụ huynh và con cái.

Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Tuổi dậy thì luôn là một đề tài nói mãi không hết chuyện. Bởi đó là khoảng thời gian nhạy cảm vô cùng với mỗi đứa trẻ. Sự thay đổi về sinh lý dẫn đến những thay đổi về tâm lý. Mỗi đứa trẻ đều trải qua quá trình này. Có rất nhiều trẻ trưởng thành trong đơn độc, không phải vì cha mẹ không quan tâm đến chúng mà vì họ không hiểu con. Con khủng hoảng tâm lý một thì cha mẹ khủng hoảng tâm lý mười. Nỗ lực hiểu con nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm được, và chính bản thân bọn trẻ cũng không hiểu nổi bản thân chúng. Đó cũng là lý do khiến mối quan hệ cha mẹ và con cái bị đứt gãy khi con bước vào tuổi dậy thì. Vở diễn “Rồi tôi sẽ lớn” chính là chiếc chìa khóa, mối hàn vết đứt gãy đó. Lũ trẻ xem và mở lòng ra với cha mẹ, cha mẹ xem để xích lại gần con hơn. Nhìn cây sửa đất - nhìn con sửa mình”.

Với phương châm dùng nghệ thuật để chữa lành những tổn thương, “Rồi tôi sẽ lớn” như những lát cắt của đời sống; những tình huống rất quen thuộc, gần gũi khiến người xem đều thấy đó như chuyện của chính gia đình mình. Đó có thể là người mẹ bức xúc với đứa con suốt ngày chơi điện tử, là người bố không muốn con theo đuổi âm nhạc bởi sợ “xướng ca vô loài”, là người mẹ bao bọc con đến độ đọc trộm nhật ký của con, duy trì vỏ bọc gia đình hạnh phúc vì con... “Những câu chuyện trong vở nhạc kịch này hình thành từ những lá thư mà học trò gửi về cho tôi và cả tâm sự của nhiều cha mẹ. Tôi mong vở diễn sẽ được lan tỏa đến các trường học, trở thành giáo cụ hữu dụng đối với các bậc phụ huynh và chính các em” - nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Nhạc kịch cho tuổi teen

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Đối tượng vị thành niên luôn là thách thức đối với các nhà tâm lý học. Với sân khấu, đây cũng là bài toán khó mà các nghệ sĩ phải tìm lời giải tốt nhất”. Nhà hát Tuổi trẻ đã chọn hình thức nhạc kịch để thể hiện những câu chuyện quen thuộc trong “Rồi tôi sẽ lớn”. Đây được coi là vở nhạc kịch đầu tiên về lứa tuổi dậy thì của Nhà hát Tuổi trẻ.

Hình thức nhạc kịch là một lựa chọn tốt cho vở diễn này bởi nó ngay lập tức hấp dẫn được khán giả tuổi teen bằng các yếu tố mới mẻ, hiện đại, những trào lưu, xu hướng thịnh hành trong đời sống học đường hôm nay: Âm nhạc sôi động, ca khúc "bắt tai", vũ điệu trẻ trung, sân khấu nhiều màu sắc... Tuy chưa có được những cảnh đẩy cảm xúc người xem đến cao trào song “Rồi tôi sẽ lớn” vẫn ghi điểm bởi yếu tố giải trí hài hòa, thông điệp rõ ràng, mang đến cho các em cách nhìn khác về sân khấu.

Nhạc kịch là thể loại mà Nhà hát Tuổi trẻ đang đẩy mạnh trong thời gian gần đây để hấp dẫn khán giả trẻ. NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Nhạc kịch là tổng hòa của âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất..., có sức hấp dẫn cao. Trong xu hướng phát triển mảng ca nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ, định hướng đường dài là phát triển nhạc kịch, đặc biệt là các vở diễn dành cho thanh, thiếu nhi. Chúng tôi hy vọng hình thức nhạc kịch sẽ dễ dàng chuyển thông điệp đến cho các em”. Tuy nhiên, không dễ để hướng tới sự hoàn thiện, bởi theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, ở Việt Nam chưa có diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp về nhạc kịch. “Chúng tôi phải có diễn viên dành riêng cho thể loại nhạc kịch. Với vở nhạc kịch “Sóng”, chúng tôi mất một năm để đào tạo. Khi dựng vở thì phải kết hợp đào tạo diễn viên tại chỗ”.

Nhà hát Tuổi trẻ là địa chỉ quen thuộc của thanh, thiếu niên trong hơn 40 năm qua với những chương trình, vở diễn đặc sắc, trẻ trung. Hy vọng rằng trong thời gian tới, các vở nhạc kịch dành cho thanh, thiếu niên của Nhà hát ngày càng được các em yêu thích.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc kịch dành cho tuổi teen: Khó, nhưng thú vị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.