(HNM) - Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Bộ Thông tin - Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chủ đầu tư, chủ sử dụng công trình cột tháp ăng ten, yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị khai thác, sử dụng khẩn trương kiểm định chất lượng công trình, khắc phục ngay tồn tại về chất lượng nếu có.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như đây không phải là lần thứ ba Bộ Xây dựng có văn bản đốc thúc việc này, sau các công văn được gửi đi tháng 11-2013 và tháng 9-2014. Tại sao Bộ Xây dựng phải rốt ráo như vậy?
Trước hết, xin nhắc lại một số sự cố sập đổ cột tháp ăng ten nghiêm trọng. Tháng 10-2012, tháp truyền hình của Đài PT-TH Nam Định sập sau khi bão có cấp gió 11 đổ bộ. Rất may không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế lên tới hàng chục tỷ đồng, hơn nữa đây là công trình cao 180m được coi là hiện đại nhất miền Bắc.
Tháng 9-2013, tháp ăng ten VOV tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), cao 150m cũng bị đổ khi bão đổ bộ vào. Lần này hậu quả nghiêm trọng hơn, khiến 2 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Tương tự, cột thép cũng gãy từ phần chân đế.
Đáng lưu ý là số cột tháp ăng ten có chiều cao dưới 100m bị đổ do gió bão còn nhiều hơn, song các sự cố dạng này đều có điểm chung là hết sức nguy hiểm, không chỉ cho chính những người đang vận hành nó mà còn cho cả người và công trình xung quanh. Ấy thế nhưng, sau hai văn bản nhắc nhở, đốc thúc tăng cường kiểm soát chất lượng công trình tháp thu phát sóng viễn thông, truyền hình, truyền thanh, cột BTS, đến nay mới có 68/149 cột tháp cao hơn 100m được kiểm định chất lượng.
Còn các cột tháp dưới 100m, các chủ đầu tư, đơn vị khai thác, sử dụng chủ yếu đang rà soát số lượng và chất lượng để phân loại, lập kế hoạch kiểm định, bảo trì. Ngay cả các cột tháp đã kiểm định chất lượng, báo cáo kết quả cho thấy một số còn tồn tại khiếm khuyết về chất lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không kịp thời khắc phục có nguy cơ xảy ra sự cố khi chịu tác động của gió, bão.
Không rõ nguyên nhân chậm trễ do đâu, có lẽ chủ sử dụng phải thuê đơn vị có chuyên môn kiểm định và phải mất một khoản kinh phí chăng? Nhưng, dù với lý do gì cũng có thể khẳng định, thiệt hại khi sự cố xảy ra lớn hơn kinh phí bỏ ra kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng cột tháp rất nhiều. Nhất là thiệt hại về người thì chẳng đo đếm được. Vậy nên, không chỉ nhắc nhở, cơ quan quản lý cần có chế tài buộc chủ đầu tư, chủ sử dụng phải kiểm định chất lượng, bảo trì thường xuyên các công trình đặc thù này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.