Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú và "Hồ sơ một tử tù"

THANHNGA| 29/11/2003 17:13

Có một điều lạ là trong số các nhà văn Việt Nam và thế giới có không ít những người xuất thân từ dân luật. Khi huy động kiến thức pháp luật vào trang viết, họ đã chứng tỏ ưu thế của mình, và hiệu quả tác phẩm đã làm nhiều nhà văn đồng nghiệp thèm muốn. Tại cuộc thi tiểu thuyết và ký do Hội nhà văn và Bộ công an phối hợp tổ chức 1998-2002, tác giả trẻ nhất tham gia và đoạt giải là Nguyễn Đình Tú.

Có một điều lạ là trong số các nhà văn Việt Nam và thế giới có không ít những người xuất thân từ dân luật. Khi huy động kiến thức pháp luật vào trang viết, họ đã chứng tỏ ưu thế của mình, và hiệu quả tác phẩm đã làm nhiều nhà văn đồng nghiệp thèm muốn. Tại cuộc thi tiểu thuyết và ký do Hội nhà văn và Bộ công an phối hợp tổ chức 1998-2002, tác giả trẻ nhất tham gia và đoạt giải là Nguyễn Đình Tú.

Hiện anh đang công tác tại Ban Văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội vốn là sinh viên trường Đại học luật Hà Nội (niên khóa 1991-1996). Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù, cuốn sách mà anh được giải.

Để hoàn thành "Hồ sơ một tử tù" anh đã tốn mất bao nhiêu thời gian?

Tôi bắt đầu viết nó khi còn đang công tác ở Viện kiểm sát quân sự Quân khu 3. Viết được nửa chừng thì có quyết định chuyển về nhận công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nếu tôi nhớ không nhầm thì để hoàn thành nó mất khoảng 6 tháng.

Rất thành công với hai tập truyện ngắn "Bên bờ những dòng chảy" và "Không thể nào khác được", tuy nhiên, để thành công với tiểu thuyết thì còn phải đi thêm một chặng khá dài nữa, nhất là với một người trẻ như anh, anh đã gặp những khó khăn và thuận lợi như thế nào khi viết "Hồ sơ một tử tù"?

Tôi có nhiều bộ hồ sơ các vụ án hình sự trong tay, nên việc dựng nhân vật và phân tích tâm lý nhân vật cũng như lý giải quá trình đi đến phạm tội của họ không khó. Cũng có thể coi đây là thuận lợi. Còn khó khăn là làm sao biến nó thành tiểu thuyết. Tức là phải gắn vùng miền cho nhân vật, đặt nhân vật trong chiều Quá khứ-Hiện tại-Tương lai, dựng một dàn các nhân vật phụ, lấy bối cảnh xảy ra câu chuyện, đưa nhân vật đến những không gian khác nhau, đặt nhân vật trong những môi trường thích ứng.V.V. Đây là những cái mà tôi phải suy nghĩ rất nhiều.

Quá trình tha hoá của Đàn, một SV triết giỏi giang, thông minh thành một tử tù đã được anh dẫn dắt một cách rất khéo léo trong 10 chương tiểu thuyết. Anh có nguyên mẫu nào không hay hoàn toàn hư cấu?

Không có một nguyên mẫu cụ thể nào cả. Nhưng phải khẳng định rằng nhân vật Đàn mang đặc điểm của rất nhiều tên tội phạm gộp lại. Vì thế đôi lúc nó làm người ta liên tưởng đến bị can này hoặc bị cáo kia ở một vụ án nào đó đã từng được báo chí đưa tin.

Thực ra thì vấn đề tha hoá nhân cách đã được nói đến rất nhiều trong văn học, điển hình là Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Anh có chút ảnh hưởng nào khi viết về sự tha hoá của nhân vật Phạm Bạch Đàn?

Mỗi nhà văn lý giải sự tha hóa con người một cách khác nhau thông qua nhân vật của mình. Tha hoá của Chí Phèo mang tầm khái quát lớn hơn. Tôi không có ý định khái quát cho một cái gì cả. Chỉ đơn giản là tôi muốn thể hiện sự cảm thông với những con người lỡ rơi vào tình cảnh như nhân vật của tôi.

Trong "Hồ sơ một tử tù" anh sử dụng khá nhiều thơ của một số tác giả như Tố Hữu, Vũ Hoàng Chương, Yến Lan, Phan Quế, Chu Thị Thơm... để minh họa. Như thế phải chăng để tăng thêm chất thơ cho tiểu thuyết? Hay là cách gây ấn tượng cho người đọc?

Không phải cứ đưa nhiều thơ vào tiểu thuyết thì tiểu thuyết sẽ có chất thơ. Cũng như không phải cứ đưa ca từ vào văn thì văn chương sẽ có chất...nhạc! Tôi cũng không có ý định làm cho tiểu thuyết của mình có chất thơ, nếu thế tôi làm thơ luôn có phải tốt hơn không? Chẳng qua, tôi nghĩ những câu thơ mà tôi trích dẫn sẽ đem lại chút khoái cảm thẩm mĩ nhất định cho người đọc. Và còn bởi trong tiểu thuyết của tôi có một nhân vật là thi sĩ, nhân vật này xuất hiện ở trang nào thì trang ấy có thơ.

Các truyện ngắn của anh khá truyền thống và kết thúc có hậu, tại sao ở tiểu thuyết này anh không để cho Đàn sống, hoàn lương, lập gia đình...vì xét cho cùng Đàn có một bản chất lương thiện?

Có hậu hay không có hậu không quan trọng. Quan trọng là người đọc nhận thấy điều gì cho mình sau khi đọc xong tác phẩm. Sự hoàn lương của nhân vật không quan trọng bằng sự hoàn lương của đối tượng độc giả mà tôi muốn hướng đến.


Thông điệp anh muốn gửi đến trong tiểu thuyết này là gì?

Mỗi người trong chúng ta đều có thể đẩy người khác đến chỗ chết bằng những việc làm ý thức hay vô thức của mình. Hãy sống nhân ái hơn!

Được biết anh sắp in cuốn tiểu thuyết mới "Nét mặt buồn", hơn 300 trang ở nhà xuất bản Thanh Niên, cuốn tiểu thuyết này có nội dung như thế nào và anh có nghĩ rằng nó sẽ gây được dư luận không?

Nội dung cuốn tiểu thuyết mới của tôi đề cập đến thân phận một con người qua những biến cố của từng thời đoạn lịch sử. Đó là một số phận rất buồn. Vì sao buồn? Cả cuốn sách là sự lý giải nỗi buồn đó. ở cuốn sách này tôi muốn khái quát nhiều điều. Còn việc nó được đón nhận như thế nào thì ngoài sự kiểm soát của tôi.

Người đọc sẽ lại thấy một lần nữa kiến thức pháp luật của anh được huy động lên trang giấy chứ?

Văn chương không phải là sự khoe kiến thức. Cũng như người học luật không phải chỉ biết có luật. Cuốn sách mới của tôi đề cập đến nhiều vấn đề, và nó sẽ khác cuốn trước về kết cấu cũng như tầm khái quát của nhân vật. Chưa thể nói được gì khi sách chưa đến tay người đọc.

Xin cảm ơn anh!

Thiên Kim(Thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú và "Hồ sơ một tử tù"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.