(HNM) - Đến hẹn lại lên, cuối năm nay, hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, do Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 5 năm một lần, sẽ diễn ra tại Hà Nội.
Nhiều tác phẩm của các cây bút trẻ đã thu hút được sự quan tâm của độc giả. Ảnh: Anh Tuấn |
Đã bớt sự ồn ào
Những người viết văn trẻ, đúng như danh xưng của họ, có sự táo bạo trong tìm tòi, thể nghiệm, quyết liệt trong “đi tìm mặt” nhưng cũng nhiều “nổi loạn” và cả không ít “phá bĩnh”. Lấy hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ VII - tổ chức tại Hội An vào năm 2006 - để soi chiếu thì tại hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ IX (sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào đầu quý IV năm 2016), đội ngũ đại biểu tham dự chắc hẳn sẽ “hiền lành” hơn, “trầm lặng” hơn. Hội nghị VII quy tụ những gương mặt “đình đám” (có trường hợp được bổ trợ bởi những “sự vụ”, yếu tố ngoài văn chương) như Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận, Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè, Đỗ Bích Thúy với Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Vi Thùy Linh với Khát, Đồng tử, Phan Huyền Thư với Nằm nghiêng, Rỗng ngực, Ly Hoàng Ly với Lô lô, Nguyễn Vĩnh Tiến với thơ - nhạc. Đó là chưa kể những tên tuổi xuất thân từ các hội bút nức tiếng trước đó như "Hương đầu mùa" trên Báo Hoa học trò, "Vòm me xanh" trên Báo Mực tím, rồi nhóm Ngựa Trời với Dự báo phi thời tiết bừng bừng tinh thần “nổi loạn”… Đành rằng, người đọc đủ tỉnh táo, thông minh để nhận diện đâu là văn chương đích thực và thời gian đủ sức để thải loại những gì là phi/phản văn chương. Tuy nhiên, thiết nghĩ, một ít “ồn ào” đôi khi cũng có tác dụng khuấy động đời sống văn học, thu hút sự chú ý của công chúng về phía văn chương, khi mà các loại hình giải trí nghe nhìn đang bành trướng không gian văn hóa đương đại. Những hiện tượng có khả năng gây chú ý đặc biệt… đột nhiên "đi vắng". Hiếm khi văn trẻ bình lặng như mùa này!
“Lặng lẽ viết là cách thể hiện ồn ào nhất” - Phát biểu này của nhà văn trẻ Văn Thành Lê xem ra không chỉ đúng với riêng trường hợp của anh, mà còn đúng với thế hệ văn chương 8x, 9x - những cây bút được định danh là “trẻ”, xét về độ tuổi.
Về văn xuôi, đó là Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận) - Quán quân Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội 2013-2014, là Nhật Phi (Hà Nội) - Quán quân Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V (2014). Ngoài ra, đó còn là Đinh Phương, Dương Giao Linh (Quảng Ninh), Lê Minh Nhựt (Cà Mau), Cao Nguyệt Nguyên, Linh Lê, Lý A Kiều, Nguyễn Văn Toan, Nguyệt Chu, Hương Thị, Chu Thùy Anh, Dương Hằng (Hà Nội), An Khang, Hamlet Trương, Phan Ý Yên, Hồng Sakura, Tiểu Quyên, Văn Thành Lê, Vũ Văn Song Toàn, Lưu Quang Minh (TP Hồ Chí Minh)… Đó là những cây bút giàu nội lực, đang dần định hình phong cách, nhiều người trong số này đã được vinh danh tại những cuộc so tài văn chương sang trọng.
Về lý luận - phê bình, đó là những người được đào tạo bài bản, đa phần đã nhận học vị tiến sĩ, đang khẳng định năng lực chuyên môn, uy tín nghề nghiệp như: Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Mạnh Tiến, Đoàn Minh Tâm, Trần Ngọc Hiếu, Hoàng Cẩm Giang, Mai Anh Tuấn, Trần Thiện Khanh, Đỗ Thị Hường, Ngô Hương Giang (Hà Nội), Trần Việt Phương (Hòa Bình), Nguyễn Đức Toàn (Hải Dương), Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thuấn, Thái Phan Vàng Anh (Huế)… Về dịch thuật, đó là những gương mặt ấn tượng, đủ cơ sở để tin vào một “phiên đổi gác” dịch thuật nay mai, như: Nham Hoa, Minh Thương, Cao Việt Dũng, Thiên Thai, Nguyễn Huy Hoàng, Trần Ngọc Hiếu, Thiên Lương, Lê Nguyên Long, Nguyễn Đào Nguyên, Phạm Phương Chi, Trần Trọng Dương, Trần Quang Đức, Trần Nhật Mỹ, Lê Nguyễn Lê, Hoàng Anh, Đoàn Hương Giang, Hoàng Phương Thúy, Ngô Hà Thu, Lương Việt Dũng (Hà Nội), Nguyễn Vũ Hưng, Hoàng Phong Tuấn, Hoàng Long (TP Hồ Chí Minh)…
Về thơ, mặc dù trầm lắng hơn nhưng cũng không khó để điểm danh những cây bút đang làm nên diện mạo của thơ trẻ như: Phạm Vân Anh, Lữ Thị Mai, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Lý Hữu Lương, Đào Quốc Minh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Du Nguyên, Lương Đình Khoa, Từ Hồng Sơn, Viễn Hải (Hà Nội), Nguyễn Phong Việt, Trần Võ Thành Văn, Kai Hoàng (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Minh Cường (Bắc Ninh)… Họ điềm tĩnh đi giữa lằn ranh giữa truyền thống và hiện đại, biết lắng lọc để tiếp thu những yếu tố tích cực trong cách thực hành cách tân thơ nhiều khi ồn ào, thái quá của những người đi trước.
Tin tưởng và hy vọng
Không quá kỳ vọng vào những “thể loại” hội nghị, hội thảo, nhưng chắc hẳn hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX sẽ là không gian rộng mở cho những người viết văn trẻ cả nước quy tụ, gặp gỡ, giao lưu, là dịp để biểu dương lực lượng, xốc lại đội ngũ. Mong rằng tại đây, các cây bút trẻ mạnh dạn cất lên tiếng nói của họ, khát vọng của họ về văn chương, cuộc sống và con người.
Không chiến thuật, chiêu trò gây “sốc”, từ chối những ồn ào bên ngoài trang viết, những người viết văn trẻ đang lặng lẽ cần mẫn gieo cấy trên cánh đồng chữ nghĩa. Với sự lựa chọn tâm thế văn chương này, văn trẻ đang đi những bước điềm tĩnh nhưng chắc chắn, không vấp váp, sa ngã, không chệch đường, lạc đường. Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng và hy vọng vào những mùa văn chương mới chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.