(HNM) - Theo cơ chế mới về giải thưởng BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh vừa thông qua, từ năm 2010 sẽ khởi động Giải thưởng Nhà văn trẻ (dưới 30 tuổi). Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên cũng cho biết: "Có thể, trong nhiệm kỳ này, BCH sẽ kiến nghị với thành phố mở một hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội"...
Tác giả trẻ đang từng bước chiếm lĩnh các diễn đàn văn học. Ảnh: Bảo Lâm |
Đủ sức gây ấn tượng
Trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) (tháng 8-2010) tại Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội NVVN khẳng định: “Cần trao đổi về vấn đề nâng đỡ quyền tìm tòi, sáng tạo của nhà văn trẻ. Có thể trong quá trình đó, nhà văn trẻ còn có vấp váp, nhưng chúng ta phải xử lý tốt, để bảo vệ ý chí sáng tạo của nhà văn”. Và ông cũng nói rõ: “Cần một cơ chế bồi dưỡng đúng tầm với nhiều hoạt động như: đầu tư đi thực tế dài ngày, đổi mới hệ thống giải thưởng, tăng cường kết nạp hội viên trẻ, bảo vệ quyền sáng tạo của cây bút trẻ như một nhiệm vụ chiến lược của Hội”.
Phải chăng, với quan điểm này, nhà văn trẻ Việt Nam đã chính thức được đề cập một cách sâu sắc hơn trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại?
Tại Hội nghị Văn trẻ lần thứ 6 vào tháng 8-2002, tại Hà Nội, văn trẻ đã bắt đầu tập hợp thành dòng, dù chưa mạnh mẽ, chưa ào ạt bứt phá, nhưng đã đủ gây ấn tượng. Những cái tên như Nguyễn Ngọc Tư, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Tiến Đạt, Phan Hồn Nhiên… như đại diện cho lớp nhà văn trẻ, “đánh tiếng” với cả nền văn học rằng “chúng tôi đã có mặt”. Đến Hội nghị Văn trẻ lần 7 vào tháng 5-2006 ở Hội An, văn trẻ đã thật sự có tiếng nói riêng, có một vị trí riêng, với đủ hình vẻ và những biến tấu đa phong cách, cả trong Nam ngoài Bắc. Đấy cũng là thời điểm buộc các nhà lý luận phê bình (LLPB) phải nhìn một cách nghiêm túc về mảng văn học này. Cho tới năm 2010, khái niệm nhà văn trẻ đã mặc nhiên được công nhận, không chỉ qua công luận, mà nằm trong văn bản chính thức của Hội NVVN và một số tỉnh, thành. Và các nhà văn trẻ (là hội viên các hội nhà văn và chưa phải hội viên) đã trở thành một lực lượng không hề nhỏ, nhiều khi đủ sức gây “sóng gió” trên văn đàn đương đại, khiến những cây bút đi trước phải giật mình.
Có nguy cơ đứt gãy với đời sống thực?
Xuất hiện như thế, nhưng nhà văn trẻ được đón nhận, đánh giá thế nào khi không như dòng chảy truyền thống. Thậm chí, nó từng được cảnh báo là có nguy cơ “đứt gãy với đời sống”, “mất mối giao cảm với đời sống”. Liệu có phải là một kiểu “lo xa”, nghi ngại của các nhà văn đi trước?
Tại hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học nghệ thuật với hiện thực đất nước hôm nay”, do Hội đồng LLPB văn học nghệ thuật TƯ tổ chức vào tháng 9-2010, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: “Nếu chỉ bám vào bút pháp thì không cứu được tài năng, không có sự vạm vỡ về vốn sống thì không đi dài được”. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét: “Còn thiếu nỗi băn khoăn lớn về con người và thời cuộc”.
Thực tế là giới trẻ có nhiều lợi thế, nhờ cách tiếp cận thông tin đa phương tiện, cái nhìn về hiện thực xã hội đương đại cũng khác hơn thế hệ trước - cái nhìn mở theo nhiều chiều, nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, nhưng có một cái chung là thể hiện rõ cái “tôi” của mình. Trong đó cũng có nhiều cái “tôi” bế tắc, hoang mang, khắc khoải, nghi ngờ, thậm chí “không biết mình là ai”.
Tất cả những hiện tượng đó là có thật và nó rất cần được nhìn nhận như một quá trình vận động tất yếu của văn học trẻ, để từ đó sẽ nhận được sự chia sẻ trên cơ sở những điều quan trọng nhất của văn chương, chứ không phải là sự áp đặt của một phong cách này với một phong cách khác.
Trách nhiệm công dân qua trang viết
Văn chương có chức năng dự báo. Điều này được thể hiện rất rõ trong những tác phẩm của các “nhà văn trẻ… ngày xưa” như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… sau này là các thế hệ nhà văn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Các nhà văn Việt Nam thời đó gần như xác định sẽ dấn thân vào con đường văn chương, chịu “bầm dập”, chịu khổ cực, để đi đến tận cùng nghiệp. Vì vậy, sự thành thật, nghiêm túc trong khi cầm bút là đòi hỏi chung của các nhà văn mọi lứa tuổi, mọi thời đại, để có thể cho ra đời những tác phẩm có ích với xã hội.
Trước hết hãy cổ vũ sự thành thực ấy của nhà văn trẻ và hãy làm bạn đồng hành bên những trang viết nhiều day dứt, có tính dự báo của họ đối với đời sống.
Nhìn vào tác phẩm đã được phát hành của các nhà văn trẻ, không hiếm cây bút tỏ rõ trách nhiệm công dân trên trang viết của mình. Họ cũng suy tư trước hiện thực xã hội có nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn - điều tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế rộng rãi… Tất cả chứng minh họ đang tồn tại, đang có mặt và đang tham gia vào mọi sự kiện của cuộc sống đương đại. Nhà văn trẻ viết về mình nhưng cũng là viết về giới của mình, lứa tuổi của mình, vị trí công dân của mình. Nguyễn Xuân Thủy đã đặt ra rất nhiều vấn đề của một đời sống ảo, với những hậu quả thật trong tiểu thuyết mới nhất “Sát thủ online”. Nguyễn Trương Quý, sau một loạt tản văn gây ấn tượng, lại đang ấp ủ một cuốn sách mới “khám phá” chính suy nghĩ, đời sống của thế hệ mình…
Bên cạnh những tác phẩm nhiều mẫn cảm, trách nhiệm, có thể còn những cuốn sách ra đời nặng về “trang sức” với những trang viết không vượt lên trên được sự miêu tả, loanh quanh trong cái tôi cá nhân… nhưng đó không phải là diện mạo đáng phải nói quá nhiều về văn trẻ.
Vậy thì, xin trở lại vấn đề quan trọng được đặt ra ngay từ đầu bài viết này là cần nhiều hơn nữa những giải thưởng, những diễn đàn chính thống về văn trẻ. Qua đó, nhà văn tự cảm nhận được vị trí của mình, từng bước lớn lên. Truyền thông cũng cần lắng nghe âm hưởng từ những giải thưởng, những hội nghị văn trẻ để cảm nhận rõ hơn, chính xác hơn về chuyển động của dòng văn học này.
Ít nhất, trong năm mới 2011 này, chúng ta sẽ chờ đón sự quan tâm mới của hai Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đối với văn trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.