Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn Nguyễn Hiếu: Sân khấu hấp dẫn khi phản ánh đúng điều khán giả cần

Trà Giang| 19/03/2022 06:09

(HNMCT) - Đam mê sân khấu và có bút lực dồi dào, nhà văn Nguyễn Hiếu là cây bút “sung mãn” của sân khấu đương đại. Ông tâm niệm sân khấu hấp dẫn khi phản ánh đúng điều khán giả đang cần lý giải.

- Thưa nhà văn Nguyễn Hiếu, sân khấu kịch Lệ Ngọc vừa cho ra mắt vở diễn “Vang bóng một thời” do đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng dựa trên kịch bản của ông, cảm tác từ tập truyện ngắn cùng tên nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông có thể giới thiệu với độc giả về nguồn cảm hứng khi viết vở kịch này?

- Nhà văn Nguyễn Tuân trong làng văn Việt Nam thường được xem như một kỳ nhân bởi phong cách văn chương cũng như cách sống. Dư luận chung vẫn mặc định Nguyễn Tuân là sự “ngông”, “sự cầu kỳ”, “tận hưởng”... Nhưng nếu đi sâu vào văn chương cũng như cá tính của ông mới thấy đằng sau sự phức tạp của hình thức đó là một tâm hồn đôn hậu, luôn tôn trọng cái đẹp, sự duy mỹ, đề cao tính thiện trong văn chương, trong đời người. Trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân, có lẽ tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” là tiêu biểu nhất cho triết lý viết và sống của ông. Khi nhận thức được chiều sâu này của tác phẩm, và nhất là sau khi viết xong kịch bản “Kiều” cảm tác từ danh tác của đại thi hào Nguyễn Du, tôi thấy rất cần viết một kịch bản từ “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân để tôn vinh nét đẹp, nét lạ của nhà văn này qua tác phẩm sân khấu.

- Ông có nhiều vở diễn lấy cảm hứng hoặc chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng, gây được tiếng vang. Lấy chuyện xưa để chuyển tải thông điệp đầy tính thời sự dường như là một thế mạnh của ngòi bút Nguyễn Hiếu?

- Vâng, tôi đã viết ba kịch bản khác nhau dựa trên cảm tác từ danh tác “Kiều” cho ba nhà hát ở ba thể loại khác nhau là kịch nói, múa rối và cải lương. Ở mỗi kịch bản đều có thông điệp khác nhau gắn liền với những vấn đề mà khán giả đang cần và tìm ở các kịch phẩm. Như "Kiều" ở kịch nói là “trong một xã hội bất công khiến cái đẹp luôn bị dập vùi”, "Kiều" ở múa rối thể hiện rằng trong cuộc đời còn nhiều cái xấu tiêu biểu như thằng bán tơ luôn ghen ghét, tỵ hiềm... Còn trong “Vang bóng một thời” thì lòng tốt, tính hướng thiện sẽ là động lực giúp con người vươn lên, vượt qua khó khăn, trở ngại.

- Ông là một cây bút có nhiều bài phê bình sân khấu sắc sảo. Xin hỏi thật, khi viết kịch, ông giải câu hỏi “làm sao để vở diễn hấp dẫn khán giả” như thế nào?

- Mỗi kịch tác gia đều có khả năng riêng để tạo ra sức hút đối với khán giả. Người đến với sân khấu thường có yêu cầu được thấy những gì đang diễn ra ở trung tâm đời sống xã hội, từ đó tìm được thông điệp mà kịch phẩm mang lại. Sân khấu có sức hấp dẫn khán giả hay không phụ thuộc vào việc có thỏa mãn được điều mà khán giả mong chờ hay không. Điều đó được minh chứng qua sức hút của kịch Xuân Trình, Lưu Quang Vũ. Viết hay đến đâu mà không phản ánh đúng điều khán giả đang cần lý giải và chiêm nghiệm thì cũng không thể tạo được sức hấp dẫn với khán giả.

- Sân khấu Lệ Ngọc là một sân khấu tư nhân, nghĩa là vở diễn phải bán vé được thì họ mới dựng. Và sân khấu này cũng rất “tín nhiệm” ngòi bút Nguyễn Hiếu. Từ thực tế sáng tác, ông đánh giá như thế nào về khả năng phục hồi của sân khấu hôm nay? Về kịch bản - khâu đầu tiên và cũng là quan trọng nhất để tạo ra một vở diễn hấp dẫn, liệu có thể đúc rút được công thức thành công nào không, thưa ông?

- Không thể phủ nhận rằng, gần ba thập niên trở lại đây khán giả quay lưng với sân khấu, khiến sân khấu đi vào suy thoái. Nhiều vở diễn được một, hai đêm rồi cất "kho". Tình trạng dựng vở cho xong mà không quan tâm đến nhu cầu khán giả hoặc đánh giá không đúng sự thưởng thức của khán giả chính là nguyên nhân tạo ra sự trống vắng. Sân khấu Lệ Ngọc mới được thành lập hơn 5 năm đã góp phần đánh thức cảm hứng xem kịch ở khán giả cả trong và ngoài nước không chỉ vì sự tôn trọng mà họ dành cho khán giả, tôn trọng đội ngũ sáng tạo kịch phẩm mà còn ở khâu tiếp thị và nhất là chọn kịch bản. Lệ Ngọc khai thác gia tài văn hóa, văn học của nước ta, chọn ra những đề tài xã hội đang được khán giả quan tâm, có sự đổi mới trong các khâu làm kịch để thoát ra khỏi sự nhàm chán, cũ mòn... Phải chăng đó là những bài học có thể rút ra từ bước đầu thành công của sân khấu Lệ Ngọc. Nhìn sự thành công này, tôi tin rằng sự phục hồi của sân khấu hôm nay phụ thuộc vào sự tôn trọng, quan tâm đến khán giả và những người làm nghề.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nhà văn Nguyễn Hiếu có một “gia tài” đồ sộ với 26 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn, hơn 70 kịch bản in thành 4 tập (gần 20 vở đã được dàn dựng, chưa kể kịch phát thanh, truyền hình), hơn 400 bài thơ đã in báo. Riêng trong lĩnh vực kịch bản sân khấu, ông đã gặt hái nhiều thành tựu với nhiều vở diễn dàn dựng thành công: Vở “Chu Văn An” (Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Chèo, Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng danh hiệu “Vở diễn hay nhất năm” - năm 2013), vở “Kiều” (Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2017), vở rối “Thân phận nàng Kiều” (Huy chương vàng Liên hoan sân khấu quốc tế thể nghiệm 2019), “Tấm Cám” (Huy chương Hoa dâm bụt Liên hoan sân khấu Trung Quốc và ASEAN)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Nguyễn Hiếu: Sân khấu hấp dẫn khi phản ánh đúng điều khán giả cần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.