Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn độc hành độc bộ

Hoàng Định| 13/12/2013 06:42

(HNM) -


30 chân dung, chủ yếu của giới văn chương, được Vũ Từ Trang viết chủ yếu trong dăm bảy năm trở lại. Nhưng đây lại là kết quả của một thời gian dài làm báo, làm thơ, giao du, chiêm nghiệm cùng "đương sự" - những người dĩ nhiên được ông quý mến. Có người ông chơi đã rất lâu, có người đọc mãi mới gặp và… không thất vọng, để rồi những cặp tác phẩm - tác giả được đem ra đối chiếu, lý giải các bí ẩn trong sáng tác. Một Nguyễn Xuân Khánh viết nên bộ ba tiểu thuyết đồ sộ từng bán máu, làm thợ may kiếm sống, "ôm" triết lý "tùy duyên" nhuốm màu Phật giáo vào truyện. Một Lưu Quang Vũ lúc gieo neo vô cùng cô đơn vì mang tâm trạng "lạ" trong những vần thơ không mấy người cùng "dòng", đến lúc lừng lẫy kịch trường lại đau đáu sao trở lại với thơ cho được. "Cái Vũ cần Uyên không có. Cái mà Uyên có, Vũ lại không màng nữa", viết được những câu thế này phải rất từng trải. Một Mã Giang Lân phải hy sinh bản năng thơ để làm khoa học. Bài về Quang Dũng có lẽ mang "tính chất nghiên cứu" nhiều hơn cả. Trong trà thơ đầu kháng chiến đậm cái chúng tôi, cái chúng ta, tác giả "Tây tiến" đứng lại được nhờ khai thác cả cái tôi cá thể. Nhà thơ Võ Văn Trực lại được khai thác nhiều ở tính cách cực đoan xứ Nghệ.

Đấy là những người nổi tiếng, và đều đích đáng để viết. Nhưng tôi thích mảng chân dung những người "kém may mắn" hơn, nó cho thấy sự lọ mọ, "phù suy" riêng của Vũ Từ Trang. Những tai nạn, những số phận hoang vắng, có lúc đã vụt lên tưởng chói lòa được lại rơi vào quên lãng. Đó là "Chị Phụng" học hành bài bản, vì hy sinh cho chồng mà xếp lại sự nghiệp. Là Nguyễn Hữu Cung, ông sửa bài tưởng chỉ có đức tận tụy, là Nguyễn Ngọc Ly đã có thơ in báo "Văn nghệ" rất sớm, vì sinh kế thành anh đạp xích lô. Ám ảnh, kinh khủng nhất là cặp Tuân Nguyễn - Phương Thúy, người này gặp bất trắc rồi người kia tàn tạ theo trong nhà dưỡng lão. Điểm chung của "những kẻ khốn nạn" này với những người thành danh được, là đều yêu nghệ thuật đến tận cùng, rồi nổi nênh được hay bị nó dìm xuống, như là ở số phận.

Tập chân dung, do một người sáng tác viết, nên không nặng về lý luận. Vũ Từ Trang chơi với bạn bè hết mình, nhưng sau đó có đoạn "lùi ra" một khoảng cách, bắt lấy cái hồn, cắt nghĩa những liên hệ. Đây là điểm không mấy nhà phê bình có. Nhưng anh đã nêu được điều "có tính chất lý luận" về nghiệp văn nghệ: Dù thành danh hay không, giời không cho ai nhiều quá, cứ phải (cô) độc hành độc bộ mới xong, bằng ỷ vào chỗ đông đúc thời chửa chắc…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn độc hành độc bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.