Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà trường không được thu gộp mức đóng BHYT khi phụ huynh chưa đồng ý

Gia Phong| 18/09/2015 15:22

(HNMO) - Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội Nguyễn Đức Hoà tại Hội nghị thông tin về công tác bảo vệ môi trường Hà Nội; Luật BHXH sửa đổi và chính sách dân số-sức khoẻ sinh sản-kế hoạch hoá gia đình do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức sáng 18-9.


Vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua, đó là theo Luật BHYT sửa đổi, trong năm học 2015-2016, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên (HSSV) tăng từ 3% lên 4,5% lương cơ bản. Thêm vào đó, mức phí đóng BHYT học sinh năm học 2015- 2016 là năm chuyển tiếp từ tham gia BHYT HSSV theo năm học sang tham gia theo năm tài chính, được thu 15 tháng, tức là 3 tháng của năm 2015 và 12 tháng năm 2016, ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ 30% mức đóng phí, các em học sinh đóng 70%.

Để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh khi bước vào năm học mới, ông Nguyễn Đức Hoà cho biết, ngay từ tháng 8 năm nay, BHXH TP Hà Nội đã xây dựng 2 phương án, đồng thời hướng dẫn cụ thể đến các nhà trường. Phương án thứ nhất là thu phí BHYT HSSV (với mức phí 31.000 đồng/tháng) theo 2 lần. Cụ thể, lần 1 thu 6 tháng và lần 2 thu 9 tháng. Phương án thứ hai là thu đủ 15 tháng.

Mới đây, Bộ GD& ĐT có công văn yêu cầu các sở giáo dục, nhà trường... phối hợp với BHXH địa phương tổ chức thu BHYT của HSSV 6 tháng một lần, tránh thu tập trung vào thời điểm đầu năm học. BHXH TP Hà Nội cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục thành phố để hướng dẫn liên ngành tổ chức thu, gắn trách nhiệm của BHXH, giáo dục, y tế vào việc thực hiện thu BHYT HSSV đầu năm học 2015-2016. “Việc thu BHYT của HSSV tại các trường phải làm sao để người dân đồng thuận, tăng số lượng học sinh tham gia. Nhà trường tuyệt đối không được tự ý thu gộp mức đóng 15 tháng khi phụ huynh không đồng ý”, ông Nguyễn Đức Hoà khẳng định.

Dù trong năm học 2014-2015, số HSSV trên địa bàn Hà Nội tham gia BHYT đạt 88,03% nhưng tỷ lệ sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ 2 ở các trường đại học tham gia BHYT vẫn còn thấp. Ông Nguyễn Đức Hoà cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2015, Hà Nội có 2,8 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT và quỹ BHYT chi trả gần 2.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014). Có những người lúc khỏe mạnh không bao giờ nghĩ đến việc tham gia BHYT nhưng khi bị bệnh tật phải điều trị với số tiền lớn thì mới biết giá trị của thẻ BHYT. “Có trường hợp bệnh nhân nặng được quỹ BHYT chi trả 800 triệu đồng/năm. Ngay cả những bệnh nhân chạy thận nhân tạo quỹ BHYT cũng phải chi trả từ 120-150 triệu đồng/năm”, ông Nguyễn Đức Hoà dẫn chứng.

Theo BHXH TP Hà Nội, tính đến ngày 31-7, trên địa bàn thành phố có 73% dân số tham gia BHYT. Riêng số lượng người tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2014. Theo chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao phó, đến hết năm 2015, Hà Nội đạt 77,2% dân số tham gia BHYT. Để hoàn thành chỉ tiêu này, từ nay đến ngày 30-11, Hà Nội cố gắng ít nhất có 1.000 người/xã/phường/thị trấn tham gia BHYT theo hộ gia đình. Ông Nguyễn Đức Hoà đánh giá, chất lượng khám chữa bệnh BHYT đang dần được cải thiện. Khi người dân thấy chất lượng khám chữa bệnh BHYT được nâng lên họ sẽ tin tưởng tham gia mua thẻ BHYT nhiều hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà trường không được thu gộp mức đóng BHYT khi phụ huynh chưa đồng ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.