Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Làm thơ không phải là một nghề

Đoan Trang| 23/05/2019 11:10

(HNMCT) - Trong phần “Tự bạch”, nhà thơ Đỗ Trung Lai viết: “Tôi vẫn luôn cho rằng: Nhà thơ không phải là người có thể viết ra những câu thơ, mà nhà thơ là người không thể không viết ra những câu thơ. Khi mà trong lòng không có thơ thật, thì đừng ép mình làm thơ làm gì...”.

Một số tác phẩm của nhà thơ Đỗ Trung Lai.


Ông viết vậy bởi với ông thơ chưa bao giờ là một tình yêu hời hợt. Vì tình yêu ấy, từ một người chưa qua một trường lớp chính quy nào về thơ ca, ông đã tự mài giũa, trau dồi kiến thức của mình để đến nay sở hữu khối “tài sản” gần 20 tập thơ lớn nhỏ từ thơ ngắn, thơ dịch đến trường ca.

1. Thế hệ thanh niên yêu thơ những năm 80-90 của thế kỷ trước ai cũng xúc động khi đọc Đêm sông Cầu của Đỗ Trung Lai. Bài thơ viết cho hoàn cảnh riêng nhưng đã biến thành hoàn cảnh chung của nhiều người trong thời chiến tranh: “Tình yêu có từ phương em/ Đi qua năm tháng đợi chờ/ Tình yêu cũng từ phương anh/ Lửa rừng bồn chồn góc núi/ Tình yêu có từ hai ta/ Chẳng đủ gần mà giận dỗi/ Nhà xa mặt trận càng xa/ Gặp nhau lần nào cũng vội…”. Cũng chính vì những câu thơ trữ tình ấy mà trước khi gặp ông tôi mường tượng ra thi sĩ của “Sao giời lọt qua mắt lưới/ Rơi đầy xuống dòng sông sâu” phải là người lãng mạn, hào hoa lắm. Thế rồi ông làm tôi bất ngờ với một chân dung khác: Mộc mạc, chân chất với mái tóc “nhà binh” trên khuôn mặt sạm màu nắng gió, ngôn ngữ cởi mở, chân tình như đã quen từ lâu lắm.

Sinh ra ở một vùng đất có tiếng hiếu học, trong một gia đình nhà Nho nên từ nhỏ Đỗ Trung Lai đã được tiếp cận những áng văn chương, những bài Đường thi từ rất sớm. Những buổi tối thập thò ngoài hàng hiên nghe các bậc cao niên ngâm cổ thi, lẩy Kiều, những đêm được cha cho gối đầu lên đùi rồi ru bằng những bài Đường thi đã theo tuổi thơ ông lớn dần, để rồi sau này, đường đời xô đẩy qua nhiều ngã rẽ mà lòng ông không lúc nào vơi nhớ thi ca.

Vốn ham đọc nên từ nhỏ Đỗ Trung Lai đã được tiếp cận với những áng văn thơ cổ, những cuốn sách kinh điển qua những lần sang hàng xóm mượn sách, lớn lên là “ngốn” hết toàn bộ sách tại thư viện toàn sách quý của người anh cả. Yêu văn học, thế nhưng sau khi tốt nghiệp phổ thông, Đỗ Trung Lai lại được phân vào khoa Vật lý Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (khóa 1968 - 1972). Nguyện vọng đổi khoa không thành, ông dành thời gian 4 năm đại học để mua, đọc và tự học toàn bộ giáo trình bộ môn Văn học của Trường Đại học Tổng hợp (Hà Nội) và Đại học Sư phạm (Hà Nội). Tốt nghiệp đại học, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ thông tin hữu tuyến của Sư đoàn 338, đóng quân ở Khu 4. Đến năm 1974, ông xuất ngũ, trở về giảng dạy môn Vật lý tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, vừa dạy học vừa làm báo, làm thơ. 8 năm sau ông được điều động về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Khi tờ Quân đội nhân dân Cuối tuần được thành lập, ông “thỏa chí tang bồng” với văn chương thơ phú suốt 15 năm ở đó.

2. Đỗ Trung Lai khởi đầu nghiệp viết cũng khác hẳn nhiều người. Năm 1980, ông viết kịch thơ 5 màn Những đêm không ngủ - Thi sĩ, nói về phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy của học sinh, sinh viên cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Khi hoàn tất, ông mang hơn 60 trang bản thảo đến gõ cửa nhiều tạp chí. Rồi số phận run rủi đưa ông tới “ông hoàng” kịch thơ Lưu Trọng Lư, nhà thơ Duy Khán, nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ở “bến đỗ” cuối cùng, nhà thơ Phạm Tiến Duật khuyên ông chân tình: “Trường thi khó viết và viết cũng khó hay nhưng đoản thi mới quan trọng và nhiều đối tượng bạn đọc. Anh đố chú viết được đoản thi đấy!”. Từ lời thách đố ấy, một tuần sau bài thơ Đêm sông Cầu ra đời và được in trên trang nhất Báo Văn nghệ, có minh họa rất đẹp của họa sĩ - nhạc sĩ Văn Cao.


Đêm sông Cầu sau này đã mang lại Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1994 cho Đỗ Trung Lai, cũng là bài thơ ngắn đầu tiên, những tình cảm thuần khiết đầu tiên ông dành cho một thôn nữ Kinh Bắc xinh đẹp - người trở thành vợ ông ít lâu sau khi bài thơ ra đời. Giá trị của Đêm sông Cầu nằm ở những câu thơ giản dị mà sâu sắc: “Ngày mai chắc là nhiều nắng/ Nên sao giăng khắp trên đầu/ Ngày mai chặn miền ải Bắc/ Tựa lưng vào đêm sông Cầu...”. Trong những năm tháng ấy, bài thơ như ngọn lửa âm thầm sưởi ấm trái tim người chiến sĩ giữa rừng hoang sương lạnh. Cái “tựa lưng” ấy chính là tựa lưng vào một miền nhớ để vững tâm tiến bước. Đêm sông Cầu ra đời được hai năm thì được cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng Tình yêu bên dòng sông quan họ.

Đọc thơ Đỗ Trung Lai ai cũng phải công nhận ông là người có trực cảm mạnh nên thơ nhiều tầng nghĩa nhưng lại ẩn hiện dưới những hình ảnh thường ngày. Đó là thứ thơ không dễ viết mà viết không dễ hay, vậy mà ông đã viết và viết rất hay, thấm đẫm nỗi đời. Lời ông ru con gái thôi cũng gửi gắm nhiều lớp nghĩa: “Đừng ham ngũ sắc làm chi/ Trời xanh muôn thuở có gì cũ đâu/ Đò đầy, phá rộng, sông sâu/ Có qua thì lúc bạc đầu hãy qua…” (Tôi ru con gái tôi). Gửi vào thơ nhiều ý nghĩa, nhiều kỳ vọng nhưng thơ ông lại không mất đi vẻ hào hoa và tinh tế.

Đó là khi ông bất chợt thấy được chút bồn chồn của người thiếu nữ khi chứng kiến bạn mình lên xe hoa: “Mây trắng bay - Trên giời xanh Hà Nội/ Mây trắng bay - Xe cưới trên đường/ Bao cô gái giật mình nghe pháo nổ - Chân trần rón rén bên gương”... (Lời bài hát về mùa thu Hà Nội). Hay là cách ông đưa những cảm xúc dịu nhẹ lẩn khuất trong từng câu thơ, đặc biệt là những câu thơ dành cho phụ nữ. Phải nói một điều rằng thơ Đỗ Trung Lai ưu ái phụ nữ. Không ưu ái sao được khi đặt đề bài thơ là Em mà thi sĩ dùng đến 18 lần trong... một tập thơ. Và đặc biệt, phụ nữ trong thơ của Đỗ Trung Lai toàn là những người phụ nữ đẹp: “Em!/ Cầu cho gáo nước này làm tóc em xanh thêm/ Bụi bặm cả một ngày hãy trôi đi hết/ Ôi mái đầu thân yêu, mái đầu xinh đẹp!/ Em cúi xuống, nên anh giấu được em một lần mỉm cười...” (Em 1).

3. Những tháng ngày công tác tại Báo Quân đội nhân dân và phụ trách tờ Quân đội nhân dân Cuối tuần mang lại cho Đỗ Trung Lai nhiều kỷ niệm. Ngày ấy ông làm thơ không nhiều nhưng đổi lại ông được mọi người biết đến với vai trò là người quản lý mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm với công việc. Năm 2004, ông chuyển sang làm Phó Tổng Biên tập Thường trực báo Tiếng nói Việt Nam.

Năm 2006, khi tờ báo đang phát triển mạnh Đỗ Trung Lai xin từ chức, về nhà dịch thơ Đường... Người không biết thì bảo ông “hâm”, nhưng ai hiểu ông mới biết ông còn nhiều khát khao, ấp ủ về những tác phẩm lớn, có tính vĩnh cửu, giúp ích cho xã hội. Tính cách ngang tàng, thẳng thắn khiến bản thân ông thiệt thòi, nhưng thi ca và cộng đồng thì được lãi. Ông bỏ ra 8 năm (từ 2006 đến 2014) để dịch lại thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị cùng 100 nhà thơ đời Đường khác. Tiếp đó ông bỏ ra 2 năm (2014 -2016) để dịch lại và làm sách Trúc Lâm tam tổ thi (Thơ của ba vị Tổ thiền phái Trúc Lâm). Gần đây ông còn viết trường ca Kể chuyện rong về những ngày có giặc, một trường ca hơn 200 câu để tri ân những người đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc.

Để có những tác phẩm có ý nghĩa với xã hội như vậy, ông đã phải bớt thời gian dành cho gia đình và chính giấc ngủ của mình. Ông bảo “Làm thơ không phải là một nghề và vì vậy làm thơ đã sướng nhưng giá mà không phải làm thơ thì còn sướng hơn. Nói thế thôi chứ chả ai chống được mệnh!”. Cái mệnh ấy, tôi nghĩ, chẳng phải riêng ông mà bất cứ ai đã trót mê say “nàng thơ” đều gặp phải.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai sinh năm 1950 tại Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Tác phẩm đã xuất bản: Đêm sông Cầu (1990), Anh em và những người khác (1990), Người chơi đàn Nguyệt ở Hàng Châu (truyện ngắn và ký - 2000), Lý Bạch - Những bài Đường thi nổi tiếng (2008), Đỗ Phủ - Những bài Đường thi nổi tiếng (2008), Bạch Cư Dị - Những bài Đường thi nổi tiếng (2008), 100 nhà thơ Đường (2013), Ơ thờ ơ (2013), Kể chuyện rong về những ngày có giặc (trường ca - 2015), Tụng lục bát (trường ca - 2017), Trúc Lâm Tam Tổ thi (2016).

Ông được trao Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1994. 
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Làm thơ không phải là một nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.