(HNMO) – Trong vài ba năm gần đây, cùng với việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và thực hiện chính sách tổng thầu – EPC, các nhà thầu nước ngoài tràn vào Việt Nam, cạnh tranh mạnh với nhà thầu trong nước, làm nhiều nhà thầu Việt “thất thế”.
Ước tính của Bộ Công thương cho biết, các nhà thầu Trung Quốc trúng đến 90% các gói thầu EPC của nước ta, tập trung vào các ngành điện, dầu khí, khai khoáng, luyện kim, hóa chất và cơ khí, chỉ có một số ít thuộc ngành công nghiệp nhẹ và dịch vụ.
Theo TS Trần Văn Huynh – Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN nguyên nhân của tình trạng trên là do các nhà thầu Việt chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho cuộc chơi sòng phẳng trên một sân đấu mà năng lực nhà thầu Việt kém hơn nhà thầu nước ngoài về kinh nghiệm, về tổ chức điều hành, về đội ngũ cán bộ, tài chính, về năng lực chế tạo thiết bị của ngành cơ khí nước ta.
Đặc biệt, với các công trình có vốn đầu tư nước ngoài FDI, vốn ODA, vốn vay nước ngoài, hầu hết các nhà thầu nước ngoài trúng thầu, các nhà thầu Việt chỉ làm nhà thầu phụ. Với giá nhận thầu thấp hơn nhiều so với giá nhà thầu ngoại trúng thầu từ chủ đầu tư Việt.
Nhiều công trình nhà thầu nước ngoài trúng thầu EPC, họ đảm trách hết các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư đến thi công xây lắp nên các nhà thầu Việt chỉ … đứng ngoài nhìn.
Tại hội thảo, TS Trần Văn Huynh cho biết: “Chúng tôi tán thành Chỉ thị 734/CT-TTg ngày 17/5/2011 của thủ tướng Chính phủ về “Chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC”, mở đường cho các nhà thầu nội phát huy nội lực, cạnh tranh với các nhà thầu ngoại. Với chủ trương này sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu Việt vươn lên mạnh mẽ để thắng thầu.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc đấu thầu các công trình trọng điểm, gói thầu lớn phức tạp, các nhà thầu đề nghị: nên chia gói thầu thiết bị ra nhiều gói thầu theo từng công đoạn, riêng thiết bị điện, điện tử để 1 gói thầu cho toàn bộ nhà máy, để chọn các nhà thầu có công nghệ thiết bị tốt nhất, giảm chi phí trung gian (nhà thầu chính trúng thầu, mua lại thiết bị của một số nhà thầu ăn chi phí trung gian 10 – 15%)… Việc chia thành nhiều gói thầu đã được thực hiện tốt ở dự án Nhà máy xi măng Cẩm Phả, xi măng Hà Tiên 2…
Riêng về giá bỏ thầu, có nhiều nhà đầu tư chọn “giá rẻ”, tuy nhiên, TS Trần Văn Huynh khẳng định: Giá rẻ là giá ôi vì nó kèm theo công nghệ, kỹ thuật lạc hậu, chất lượng thiết bị kèm theo tuổi thọ thấp, tiêu hao vật tư, năng lượng cao, môi trường kém, hiệu quả kinh tế cho vòng đời hoạt động công trình thấp; chỉ phù hợp với các nhà đầu tư ăn xổi.
Mặt khác, bàn về vấn đề cần phải nâng cao năng lực nhà thầu Việt, để vươn lên thắng thầu; TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, cần có trách nhiệm của cả phía Nhà nước, chính các nhà thầu cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hiệp hội nhà thầu VN.
Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường xây dựng; Kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vi phạm quy định hạn chế đưa lao động nước ngoài vào làm việc tại nước ta; Cấp giấy phép an ninh quốc gia cho các dự án đầu tư và nhà thầu nước ngoài vào kinh doanh tại các vùng, các ngành nhạy cảm; Lập quỹ dữ liệu về giao nhận thầu công trình xây dựng; Ban hành Luật đầu tư công, trong đó đặc biệt ngăn chặn tình trạng thanh toán dây dưa, gây thiệt hại cho các nhà thầu…
Bên cạnh đó, về phía nhà thầu phải đổi mới trong khâu tổ chức quản lý kinh doanh (áp dụng chế độ tổng công trình sư, kỹ sư trưởng); coi trọng nghiên cứu thị trường; tổ chức chuỗi liên kết kinh doanh; tiếp nhận thị trường nhận thầu quốc tế…
Nhìn chung, với tiềm năng của các nhà thầu Việt, nếu biết tập hợp lực lượng, hợp tác, liên danh, liên kết với nhau, khắc phục nhược điểm yếu kém, xây dựng công trình với chất lượng tốt, đảm bảo tiến độ; được sự hỗ trợ của chủ đầu tư; sự tháo gỡ khó khăn của cơ quan Nhà nước…, khả năng thắng thầu, chiếm lĩnh thị trường nội địa là hiện thực và trong tương lai có thể vươn ra thị trường thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.