(HNM) - Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, những năm qua hệ thống bán lẻ trên địa bàn cả nước đã có bước phát triển đáng khích lệ. Sự hình thành và phát triển của hệ thống bán lẻ luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng kênh phân phối hiệu quả, xây dựng văn minh thương mại hiện đại, đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD).
Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển của hệ thống bán lẻ ở nước ta thời gian qua chưa phát triển bền vững. Tình trạng khách hàng khiếu nại mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn nhiều. Chính sách chăm sóc khách hàng dù đang được các siêu thị áp dụng, nhưng vẫn chưa làm hài lòng NTD. Như vậy, siêu thị nói riêng và hệ thống bán lẻ nói chung chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu của NTD. Đặc biệt, hoạt động quản lý chất lượng, khuyến mại, quảng bá tại các siêu thị diễn ra rầm rộ, nhưng lại tồn tại nhiều bất cập... Tăng cường hoạt động bảo vệ NTD là vấn đề cấp thiết hiện nay với các hệ thống bán lẻ hiện đại, nhất là khi Luật Bảo vệ quyền lợi của NTD đã có hiệu lực từ ngày 1-7. Bảo vệ có hiệu quả NTD là tiền đề cơ bản để doanh nghiệp (DN) phân phối, bán lẻ mở rộng và phát triển. Bởi, đó là hình thức kinh doanh hiện đại, thể hiện văn minh thương mại và giúp các siêu thị thu hút ngày càng nhiều NTD. Không những thế, bảo vệ tốt NTD tại các siêu thị là bước quan trọng trong việc đưa Luật Bảo vệ quyền lợi của NTD vào cuộc sống. Đây là điều "cốt lõi" thể hiện sự ưu việt, văn minh của hình thức bán lẻ siêu thị so với các hình thức bán lẻ truyền thống khác, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị, cũng như chủ trương bình ổn giá.
Nhận thức được vấn đề đó đã có nhiều DN sản xuất và phân phối liên kết nhằm tạo ra cơ hội cho hai bên làm ăn lâu dài, góp phần bình ổn giá thị trường và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NTD. Chẳng hạn, giá đường ăn trên thị trường vừa qua tăng cao (các nhà máy giao đường với giá 17.000-18.000 đ/kg, trên thị trường bán lẻ giá đã lên 24.000-25.000 đ/kg), các siêu thị BigC, Fivimart là nhà phân phối, bán lẻ lớn đã chủ động ký hợp đồng với các nhà máy nhập hàng trăm tấn đường bán cho người dân đã góp phần đáng kể để "hạ nhiệt" mặt hàng này. Việc liên kết với nhà máy đường sẽ bảo đảm được mức giá hợp lý cho NTD, đây là một trong những biện pháp hữu hiệu của hệ thống siêu thị BigC, Fivimart nhằm điều chỉnh giá bất ổn trên thị trường. Cả nhà sản xuất và nhà phân phối đều nhận thức được liên kết là sự kết nối mà cả hai bên đều có lợi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tính liên kết giữa các DN sản xuất với DN phân phối chưa cao, việc đầu tư tạo nguồn hàng chưa ổn định, có mối liên kết, hợp tác cũng chưa được như mong muốn. Vì thế, để giải quyết vấn đề này, các DN sản xuất và phân phối cần hợp tác, bổ sung những chỗ thiếu cho nhau, cùng bảo đảm quyền lợi cho hai bên, cùng thay thế dần các mặt hàng nhập khẩu. Nhưng, để sự liên kết này hiệu quả, các nhà phân phối và nhà bán lẻ cần có những tiêu chuẩn rõ ràng cho các DN sản xuất khi cung cấp hàng.
Hiện, thị trường bán lẻ nước ta vẫn tăng trưởng, tốc độ tăng bình quân hơn 20%/năm và được đánh giá là một trong số thị trường hấp dẫn nhờ một số yếu tố thuận lợi, như cơ cấu NTD trẻ, thu nhập ngày càng cải thiện, hàng hóa đa dạng… Tuy nhiên, đến nay quyền lợi của NTD vẫn chưa được bảo đảm, bị xâm hại với nhiều loại vi phạm khác nhau, gồm bán hàng không rõ xuất xứ; nhập nhèm về chất lượng; thiếu thông tin về giá; bảo hành chưa tốt… vì thế các ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi cho các nhà sản xuất chân chính và NTD. Theo đại diện ngành chức năng, về chất lượng hàng hóa cần phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước khi đưa ra thị trường. Sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối nên có sự kiểm soát lẫn nhau thì tình trạng hàng nhái, hàng giả sẽ giảm. Các chuyên gia cho rằng, xu hướng tất yếu hiện nay là phải phát triển hệ thống phân phối đủ mạnh để điều tiết mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Cụ thể là nhà phân phối thu mua hàng với số lượng lớn từ nhà máy của những nhà sản xuất vào tổng kho của mình và phân phối đến hệ thống bán lẻ để phục vụ nhu cầu của NTD. Nhưng, để phát triển hệ thống phân phối đủ mạnh điều tiết được mối liên kết đòi hỏi các cấp, các ngành cùng vào cuộc với DN để tháo gỡ khó khăn, từ cơ chế chính sách đến việc hỗ trợ đào tạo công nghệ, hỗ trợ lãi suất cho DN và xây dựng, bảo vệ thương hiệu... Có như vậy, DN mới phát triển bền vững và bảo đảm quyền lợi của NTD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.