(HNM) - Dự báo đến cuối tháng 3-2014, vựa lúa lớn nhất nước là Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cho thu hoạch hơn 1 triệu héc ta lúa với khoảng 8,5 triệu tấn (khoảng 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa).
Ngân hàng Nhà nước đã dành 8.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay ưu đãi để triển khai chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đây được xem là giải pháp tích cực trong bối cảnh gạo xuất khẩu của Việt Nam đang rớt giá trên thị trường quốc tế. Thế nhưng liệu người nông dân "một nắng hai sương" có được thụ hưởng chính sách này? Nhà nước cần làm gì để người nông dân đỡ chịu cảnh thiệt thòi khi giá lúa gạo lên xuống bất thường?
Tạm trữ gạo không phải là giải pháp mới nhưng cần thiết nhằm kích cầu lúa hàng hóa trong dân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính đối phó với những khó khăn trên thị trường xuất khẩu. Sở dĩ có nhận xét như vậy bởi chính sách thu mua tạm trữ mấy năm nay không có tác động lớn đến giá lúa mà nông dân bán ra. Theo nhiều chuyên gia lương thực, chính sách này chỉ giúp cho nông dân bán được lúa, nhưng bán với giá thấp nên người trồng lúa không được hưởng lợi bao nhiêu. "Mùa vàng" không đến với người "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà lợi nhuận được chuyển sang cho cánh thương lái (không nhiều nông dân bán được gạo trực tiếp cho các công ty lương thực). Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà với việc tham gia chương trình tạm trữ lúa gạo vì nếu không có hợp đồng "đầu ra", không nâng được giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới thì khó có thể toan tính chuyện lãi lời.
Vậy, làm thế nào để người nông dân có cuộc sống đỡ vất vả hơn? Đây là câu hỏi khó trong thời điểm hiện tại. Để người nông dân thực sự được hưởng lợi từ đồng ruộng có lẽ nên bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy của cả nhà quản lý và người trực tiếp sản xuất để biến những "nông dân nhỏ" bên cánh ruộng nhỏ thành những "nông dân lớn" trong các HTX, được Nhà nước hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật... Từ đó hình thành những cánh đồng lớn cùng sản xuất chung một loại giống lúa theo một quy trình chuẩn. Một khi giá trị hạt gạo thương phẩm được nâng lên, không chỉ doanh nghiệp có nguồn gạo bảo đảm chất lượng đồng nhất cho chế biến xuất khẩu mà gạo Việt Nam cũng có giá cao hơn trên thị trường quốc tế. Làm được như vậy thì cả nông dân và doanh nghiệp đều được lợi.
Một vấn đề nữa, theo nhiều nhà khoa học, bảo đảm an ninh lương thực là đòi hỏi tất yếu của quốc gia, nhưng có nhất thiết phải "trói" người nông dân vào việc sản xuất lúa gạo, trong khi giá gạo xuất khẩu không cao như một số loại nông sản khác? Nên chăng chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại cây có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn?... Việc chuyển đổi cây trồng thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực tại nhiều địa phương trong cả nước, từng bước mang lại đời sống ấm no cho những người dân "chân lấm tay bùn". Những thành quả ấy là căn cứ để các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp đưa ra những giải pháp vững chắc hơn, hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho người nông dân.
Nếu các nhà quản lý không đưa ra những định hướng chiến lược và giải pháp căn bản, khả thi thì không thể loại bỏ được tình trạng "được mùa mất giá", nông dân bị thương lái chèn ép... Và như vậy, người nông dân vẫn tiếp tục chịu cảnh thiệt thòi trên những mảnh ruộng của chính mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.