(HNM) - Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho hay, nguồn cung nhà ở xã hội, nhất là tại các đô thị lớn vẫn trong tình trạng thiếu hụt.
Nhà ở xã hội Khu đô thị Việt Hưng. Ảnh: Như Ý |
Tại Hà Nội, mới đây Ban Chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), cùng UBND thành phố đã kiểm tra việc dành quỹ đất 20% tại 12 dự án khu đô thị, nhà ở để xây dựng nhà ở xã hội. Kết quả cho thấy, hầu hết các dự án nhà ở, khu đô thị trên địa bàn Hà Nội khi phê duyệt quy hoạch đều dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; kể cả dự án được phê duyệt trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực (5/12 dự án); chỉ trừ 1 dự án thuộc địa bàn Hà Tây cũ do trước đây địa phương này không có quy định. Tuy nhiên, phần lớn các dự án đều sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội không đúng mục đích. Trong số 11 dự án có dành quỹ đất, chỉ có 3 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, 3 dự án đã chuyển sang xây dựng nhà ở tái định cư, còn lại chuyển đổi sang nhà ở thương mại hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Các chủ đầu tư ít quan tâm đến giải phóng mặt bằng phần diện tích để xây dựng nhà ở xã hội. Hiện còn 11 lô đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án với diện tích 8,6ha, nhưng mới có mặt bằng được 4 lô, diện tích 5,6ha; còn 7 lô, diện tích 3ha chưa được giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án hay các hỗ trợ từ ngân sách địa phương cũng chưa được thực thi đúng mức; mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Mặc dù đã có các quy định của Chính phủ và Bộ Xây dựng liên quan đến đơn giản hóa và rút gọn trình tự, thủ tục lập, thẩm định dự án, phê duyệt quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư… nhưng việc thực hiện ở các địa phương chậm, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án mới hoặc chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội theo chủ trương.
Thống kê cho thấy, đến nay, cả nước đã có 98 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, trong đó 35 dự án là nhà ở dành cho người thu nhập thấp đô thị, quy mô hơn 18.900 căn hộ. Còn lại là nhà ở dành cho công nhân các khu công nghiệp. Cùng với đó, 129 dự án nhà ở xã hội vẫn đang được triển khai, trong số đó 90 dự án là nhà cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 55.000 căn hộ. Hà Nội là địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn, nhưng hiện mới triển khai 14 dự án nhà cho người thu nhập thấp, quy mô hơn 11.900 căn, thấp hơn nhu cầu thực tế rất nhiều. Thời gian qua, nhiều dự án lớn như Đặng Xá (Gia Lâm) quy mô hơn 1.000 căn, Trần Phú (Hà Đông) 512 căn, Bắc Cổ Nhuế - Chèm 930 căn… đã mở bán khá nhanh trong thời gian ngắn đã cho thấy sự "khan hiếm" nhà ở giá rẻ trên thị trường.
Bên cạnh đó, các địa phương đã nhận đăng ký của 60 dự án xin chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, quy mô khoảng 38.800 căn hộ; 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu diện tích với số lượng căn hộ ban đầu 33.800 căn lên 44.800 căn. Tuy nhiên, tiến độ giải quyết của các địa phương khá chậm, số lượng dự án đăng ký đến nay chưa có quyết định của UBND cấp tỉnh còn khá nhiều. Tại Hà Nội, trong 24 dự án xin chuyển sang nhà ở xã hội, thành phố đã xem xét 18 dự án, chấp thuận chủ trương 9 dự án, nhưng mới có 4 dự án có quyết định cho phép. TP Hồ Chí Minh thẩm định 11/25 dự án đăng ký và mới có 6 dự án có quyết định cho phép. Đối với các dự án đăng ký điều chỉnh diện tích, trong số 45 dự án đăng ký trên địa bàn Hà Nội, thành phố mới chấp thuận chủ trương cho 33 dự án và mới có 7 dự án có quyết định cho phép. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh cũng mới chỉ có 5/21 dự án đăng ký có quyết định cho phép.
Trong khi nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn thì việc số lượng dự án triển khai còn ít, dự án chuyển đổi còn chậm đã ảnh hưởng đến mục tiêu tạo lập chỗ ở cho đối tượng là người lao động hưởng lương, người thu nhập thấp đô thị, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang… như Chiến lược nhà ở quốc gia đã đề ra. Thực tế, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội có tỷ lệ giải ngân thấp, một phần do thiếu nguồn cung và dự án đủ điều kiện giải ngân. Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng chính sách tín dụng riêng ngoài gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội; đồng thời chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai dự án nhà ở xã hội, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.